Quy mô tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo thể hiện rõ chuyển biến tích cực khi tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN) có việc làm khá cao. Tuy nhiên, với tâm lý trọng bằng cấp của người dân, xã hội vẫn còn phổ biến đã khiến cho việc thu hút thí sinh học nghề bị hạn chế.
Làm thế nào để cho xã hội, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng, trình độ của mình là bài toán mà ngành lao động đang gắng sức tìm lời giải…
75% có việc làm sau học nghề
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề, năm 2010, có 171 trường CĐN, CĐ, ĐH thực hiện tuyển sinh trình độ CĐN (tăng 46% so với năm 2009). Tổng số tuyển sinh CĐN đạt 96.570 người (tăng 6% so với năm 2009), đạt 107,3% so với kế hoạch. Nghề có số lượng trường đào tạo nhiều nhất là Điện công nghiệp (135 trường); Hàn (118 trường); Công nghệ ô tô (88 trường); Điện tử công nghiệp (69 trường); Cắt gọt kim loại (81 trường)...; Nghề có số lượng trường đào tạo ít nhất là những trường thuộc tổng công ty, những trường dạy các nghề mang tính đặc thù của ngành như: Thông tin tín hiệu đường sắt, công nghệ sản xuất bột giấy và giấy. Trong mùa tuyển sinh năm 2010, nghề được tuyển sinh nhiều nhất là điện công nghiệp 9.858 người (chiếm 10,2% tổng chỉ tiêu); tiếp đó là nghề công nghệ ô tô 5.828 người; hàn 5.708 người; cắt gọt kim loại 2.998 người; điện tử công nghiệp 4.190 người.
Đào tạo nghề cơ khí tại trường Cao đẳng Nghề An Giang. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN. |
Qua mùa tuyển sinh năm 2010, theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), quy mô tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp TCN, CĐN có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 75%, trong đó sinh viên CĐN có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 80%, có một số nghề sinh viên ra trường đạt trên 90%. Về phía doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đánh giá tích cực về kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp của sinh viên tốt nghiệp CĐN. Tuy nhiên, dạy nghề vẫn còn nhiều bất cập, công tác tuyển sinh nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân là do trọng bằng cấp của người dân, xã hội khá phổ biến. Trong khi đó công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề. Chưa kể các trường ĐH, CĐ được mở ra quá nhiều, điểm chuẩn hạ thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào học ĐH, CĐ, do đó tuyển sinh học nghề bị hạn chế.
Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đã tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, nhưng qua phân tích số liệu tuyển sinh đã bắt đầu cho thấy đa số các trường tập trung tuyển sinh những nghề phổ biến, có nhu cầu cao trên thị trường lao động. Một số nghề sản xuất kinh doanh đặc thù với điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại rất khó tuyển sinh trong khi thị trường lao động có nhu cầu. Nguyên nhân là chưa có chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc dạy và học các nghề. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến công tác tuyển sinh nghề gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh tiếp thị
Năm 2011, toàn ngành dạy nghề đặt chỉ tiêu tuyển sinh 1.860.000 người, tăng 6,4% so với kế hoạch năm 2010. Trong đó, số lượng tuyển sinh trình độ CĐN, TCN là 420.000 người tăng 17% so với năm 2010. Đồng thời, thí điểm tổ chức đào tạo nghề chất lượng cao cho 500 sinh viên CĐN theo chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng sẽ tuyển 1.440.000 người (tăng 4% so với năm 2010), trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn.
Việc tuyển sinh dạy nghề trình độ cơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, theo TS Nguyễn Hồng Minh, nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, một mặt để tăng năng suất lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp, mặt khác, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Giải quyết bài toán tuyển sinh nan giải trong các trường nghề, đã đến lúc các trường nghề cần chủ động tìm đến học viên với những kế hoạch “tiếp thị” có hiệu quả.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh, từ khi có quy định về đào tạo liên thông giữa hệ TCCN, CĐ lên hệ CĐ và ĐH, việc tuyển sinh của các trường nghề thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2011, có khoảng 70% học sinh trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội có nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Vinh cũng cho rằng, các trường muốn tuyển sinh hiệu quả cần chủ động tìm đến học viên và đưa ra các kế hoạch cụ thể.
Ông Vinh chia sẻ, năm 2010, trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội đã tuyển được hơn 2.000 học sinh, vượt chỉ tiêu 30% so với năm 2009. Trường đã chủ động tham dự các ngày hội việc làm; tăng cường tuyển sinh trên Internet, gửi thông báo tuyển sinh đến hơn 500 xã, phường và các trường THPT trên địa bàn Hà Nội; giảm học phí cho học sinh học các ngành nhu cầu xã hội lớn; phối hợp với các trường THPT giới thiệu về các ngành nghề đào tạo trong các giờ ngoại khóa… Xây dựng mô hình “liên kết đào tạo giữa Nhà trường- Doanh nghiệp và Địa phương”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, các trường nghề ngoài việc cải tiến tuyển sinh, cần nâng cao tính cạnh tranh bằng chính chất lượng đào tạo. Đã đến lúc các trường nghề cần chủ động “mở cửa tiếp thị” và chú trọng đến chất lượng để thu hút học viên. Ông Hiệp cho biết, Sở đã tập trung một nhóm các trường cùng ngành nghề đào tạo để đến các trường THPT giới thiệu tuyển sinh, trình diễn nghề ngay tại trường để hướng nghiệp cho học sinh THPT. Một số trường nghề cũng đã đưa kết quả học tập của sinh viên năm cuối lên trang web để các doanh nghiệp vào lựa chọn và tuyển dụng.
Tổng cục Dạy nghề cho biết, năm 2011, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề từ các phương tiện thông tin đại chúng; định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp học phổ thông nhằm phân luồng học sinh vào học nghề sau THCS. Cùng với đó là việc thiết lập mạng lưới tuyển sinh TCN, CĐN đến cấp huyện và các trường THPT, THCS; tăng cường tổ chức hội chợ việc làm, dạy nghề cấp vùng, liên vùng; xuất bản những điều cần biết về tuyển sinh học nghề.
Tuy nhiên, nếu tính dài hạn, quan trọng nhất vẫn là các chính sách vĩ mô. Đó là xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu cấp trình độ đào tạo và theo vùng miền giúp cho các trường trong công tác đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh học nghề. Ngoài ra, cũng cần những nghiên cứu ban hành chính sách tiền lương theo các cấp trình độ đào tạo (SCN, TCN, CĐN). Điều này cần được kết hợp với tăng cường tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh chưa tốt nghiệp THPT vào học TCN, nhất là các trường trung cấp nghề thuộc địa phương, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, cũng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ một số chính sách của Nhà nước như chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ học nghề; chính sách dạy nghề cho phụ nữ sẽ góp phần nâng cao số lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo đối với trình độ SCN và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng...
Hiếu Dũng