Không phó thác cho nhà trường
Tại trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trong giao tiếp với phụ huynh, bên cạnh việc báo cáo tình hình của trường, cô thường chia sẻ đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh ở lứa tuổi này như thế nào. Cô cũng chia sẻ cho phụ huynh học thuyết đa trí tuệ, để cha mẹ hiểu rằng mỗi một học sinh giỏi một lĩnh vực khác nhau, để cha mẹ hiểu con hơn, khuyến khích con phát triển những thế mạnh của bản thân.
“Thế nhưng ngay cả trong buổi họp phụ huynh, gần như tôi phải là người chủ động, đặt vấn đề, khơi gợi để phụ huynh chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong giáo dục con. Tôi cũng chủ động đề xuất phụ huynh gọi điện, nhắn tin cho tôi để chia sẻ vấn đề và cùng giải quyết, vì có những việc phụ huynh khó trao đổi với con nhưng tôi nói với học trò lại rất dễ. Tuy vậy, không nhiều phụ huynh sẵn sàng đón nhận những thiện chí đó. Không nhiều phụ huynh trao đổi với tôi các vấn đề trong giáo dục con.” - cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.
Có thể nói, phụ huynh ngày nay rất quan tâm đến việc học tập, về các mối quan hệ bạn bè của con em, nhưng lại thường là cách quan tâm không tâm lý hay thậm chí là bắt ép khiến nảy sinh tâm lý chống đối trong con em mình. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại coi việc rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, quan tâm đến tâm lý lứa tuổi là việc của nhà trường. Tình trạng thiếu quản lý con cái về giờ giấc, không giám sát việc sử dụng mạng xã hội hay các mối quan hệ giao tiếp ngoài nhà trường... cũng là những nguyên do khiến bạo lực học đường có cơ hội nảy sinh.
Chia sẻ về vai trò của gia đình với giáo dục của trẻ, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận: “chúng tôi xác định rõ vai trò của nhà trường trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Nhưng mỗi gia đình cũng cần phải nhận thức được sứ mệnh của mình. Không phải là chỉ nuôi con lớn mà còn phải dạy con cả về nhân cách sống, giúp con phát triển các kỹ năng sống. Các gia đình chỉ lo con có bằng nọ, bằng kia mà chưa đo xem con mình đã lớn về mặt tinh thần, về mặt nhân cách hay chưa”.
Gia đình quan tâm thế nào cho đúng?
Bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường một phần do học sinh chưa được quan tâm nhiều từ gia đình, ảnh hưởng trò chơi trực tuyến, thiếu kỹ năng tự vệ, tự kiềm chế cảm xúc.
GS. Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như nhiều chuyên gia sư phạm khác đồng quan điểm cần phải siết các game, video có nội dung không phù hợp trên mạng. Các game bạo lực, cổ súy lối sống lệch lạc... là một trong những tiền đề dẫn tới các hành vi bạo lực trong nhà trường và xã hội. “Hiện nay, không gian mạng chúng ta chưa làm chủ được để nhiều hiện tượng lấn át. Đó là lổ hỗng rất lớn”, GS. Nguyễn Văn Minh nói.
Rõ ràng, với gia đình, quan tâm đến con trẻ bao nhiêu vẫn là chưa đủ. Giữa bộn bề công việc, cuộc sống mưu sinh, vẫn rất cần các bậc cha mẹ như những người bạn đường, người sát cánh bên các con trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ. Nói như PGS. TS. tâm lý Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Gia đình cần thay đổi nhận thức trong việc cùng phối hợp với nhà trường để dạy trẻ. Dạy trẻ không chỉ là lời nói “con phải thế này, phải thế kia” mà phải đồng hành cùng trẻ, là tấm gương cho trẻ.
PGS.TS. Trần Thành Nam lý giải, cha mẹ nên khơi gợi giúp con cởi mở, thường xuyên trò chuyện hỏi han để nắm được tình hình học tập cũng như các mối quan hệ của con ở trường. Cha mẹ tuyệt đối không tỏ ra nóng giận, quát mắng, áp đặt khi con kể chuyện. Dù con có làm gì sai, nên giữ sự chừng mực, thoải mái. Vì các con có thể sẽ không dám kể chuyện mình bị bạo hành với cha mẹ.
Việc cha mẹ cần gần gũi con là rất cần thiết để kịp phát hiện vấn đề, hướng dẫn cho con kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với các bạn, cách xử lý các tình huống trong quan hệ với bạn bè, thầy cô. Với những em có tổn thương về sức khỏe tinh thần, bố mẹ không có thời gian nhận ra để hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Vì vậy, khi có tình huống xảy ra, các con chỉ biết ứng xử bằng những kinh nghiệm mà mình đã quan sát được trên mạng xã hội và môi trường xung quanh - nơi có rất nhiều hình ảnh ảnh hưởng tiêu cực.
Với những trẻ có xu hướng bạo lực thì gia đình có trách nhiệm giám sát, uốn nắn. Bởi, từng hành vi, ánh mắt và sự hướng dẫn cụ thể của bố mẹ có ý nghĩa lớn, trực tiếp, trực diện đến hình thành hành vi, nhận thức, lối sống của con. Còn khi con có hành vi bạo lực ở trường, bố mẹ cũng chịu trách nhiệm liên đới để đảm bảo con không tái phạm.
“Theo tôi, gia đình là người thầy đầu tiên cho trẻ học những điều hay lẽ phải, học tình yêu thương, học ăn, học nói, học gói học mở. Học để làm người. Giáo dục trong gia đình làm tốt sẽ làm giảm những trẻ cá biệt, và khi vào trường học thầy cô sẽ đỡ đi rất nhiều áp lực…”- TS. Trần Thành Nam chia sẻ.
Giải pháp cho nạn bạo lực học đường - Bài cuối: Hoàn thiện nhân cách giới trẻ thông qua những sân chơi lành mạnh