Nỗi niềm giáo viên vùng cao
19 năm lên công tác ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, cô giáo Lê Thị Hương, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Kỳ Sơn chia sẻ, mình vẫn là người “không nhà, không đất”, thu nhập chỉ “nhoáng” một cái là hết.
Nếu so với giáo viên miền xuôi, chị Hương có thu nhập cao hơn vì có thêm phụ cấp đặc thù vùng khó, phụ cấp của trường nội trú. Tuy nhiên, với khoản lương 15 triệu đồng/tháng nhưng phải trang trải chi phí sinh hoạt lớn nên số tiền còn lại chẳng đáng là bao. Chồng chị đang là giáo viên ở một trường tiểu học tại xã khó khăn của huyện Đô Lương thu nhập cũng rất thấp, chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai vợ chồng chị Hương lên công tác ở Kỳ Sơn hơn 15 năm. Nhưng để ổn định cuộc sống, chồng chị xin về xuôi trước để đỡ đần bố mẹ già và các con. Chị Hương chia sẻ gần 20 năm qua phải ở nhà công vụ của trường. Chị mong mỏi có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước, không chỉ về lương và phụ cấp mà còn về cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt, để giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề.
Trong những năm qua, tình trạng “chảy máu” giáo viên về xuôi diễn ra ở nhiều huyện vùng cao của Nghệ An. Việc giữ chân các giáo viên dường như trở nên khó khăn vì điều kiện sinh hoạt, đi lại ở huyện miền núi rất vất vả. Hơn thế, giáo viên lên công tác vùng cao hầu hết phải sống xa con, xa gia đình nên khó ổn định cuộc sống.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, chỉ khoảng 4 năm trở lại đây đã có 6 giáo viên xin chuyển ra vùng thuận lợi hoặc chuyển công tác về xuôi, trong đó có 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 2 giáo viên giỏi cấp huyện. Là Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Trần Hữu Trường chia sẻ, rất thông cảm với các giáo viên bởi những người về xuôi đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt. Việc động viên giáo viên ở lại là điều khó khả thi vì điều kiện nhà trường quá khó khăn. Trường cách thị trấn Mường Xén hơn 70km, đường đi lại đồi núi quá vất vả, địa bàn biên giới khí hậu khắc nghiệt. Vì thế, giáo viên vào đây công tác thường không xác định ở lại lâu dài, người ở lại chủ yếu là vì “tâm” với nghề.
Cũng theo thầy Trường, hiện nay, các giáo viên đang công tác ở huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đã có những chính sách ưu tiên trong lương, chế độ phụ cấp, chế độ đặc thù. Tuy nhiên, để họ gắn bó lâu dài với nhà trường thì những chính sách này chưa đảm bảo. Việc tuyển dụng, thu hút giáo viên vì thế còn rất nhiều khó khăn.
“Trường chúng tôi chưa có giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Do đó, để có thể dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường phải thuê chung giáo viên Tiếng Anh với một số trường khác. Các tiết học đáng lẽ phải phân bổ và chia đều trong 1 tuần thì phải học gộp lại vì cứ 2 tuần giáo viên hợp đồng mới có thể đến trường giảng dạy cho học sinh”, thầy Trường nói thêm.
Đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên
Theo dự thảo, chính sách thu hút của Luật Nhà giáo tập trung vào 4 vấn đề: có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo; có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Cũng theo dự thảo, các chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút; chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác (nếu có) được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Hầu hết các nhà giáo, cán bộ quản lý đều đồng tình với dự thảo đưa ra.
Thầy giáo Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Quỳ Châu cho rằng, vấn đề “an cư lập nghiệp” đối với giáo viên vùng cao dường như chưa được đảm bảo. Đơn cử, những giáo viên ở xa vào “cắm bản” những xã xa trung tâm, dạy ở các trường bán trú đều đang phải ở nhà thuê, nhà tập thể, ký túc xá nhà trường, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Cụ thể, giáo viên của nhà trường rất thiệt thòi bởi dạy ở miền núi nhưng vì là vùng thị trấn nên không có chính sách đặc thù, chế độ của giáo viên dạy miền núi. Vì thế, nhiều giáo viên sau khi được tuyển dụng hoặc dạy một thời gian đều xin chuyển về đồng bằng để đỡ vất vả.
Thầy giáo Cao Thanh Lưu trăn trở bởi khoảng 10 năm trở lại đây, trường không thu hút được giáo viên giỏi về giảng dạy và nếu tuyển được giáo viên trẻ thì không gắn bó lâu dài. Lương của một giáo viên đại học mới tốt nghiệp ra trường ở trường Trung học Phổ thông chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu phải sống xa nhà thì chi phí nhà trọ, đi lại, sinh hoạt đều không đảm bảo. Thế nên các chính sách ở các huyện miền núi phải quan tâm đến vấn đề này để giáo viên có thể yên tâm công tác, thầy Lưu chia sẻ.
Về góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo, qua tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, các góp ý liên quan khá nhiều đến chế độ chính sách, tiền lương, chứng chỉ hành nghề. Theo đó, huyện Quỳ Châu đề nghị Luật Nhà giáo cần quan tâm để không những giáo viên mầm non (theo dự thảo) mà giáo viên tiểu học cũng được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 58 tuổi (đối với nam), cân nhắc về quy định chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, huyện Anh Sơn đề nghị bổ sung nội dung nhà giáo được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, quản lý trong và ngoài nước nhưng không phục vụ đơn vị hoặc tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hoàn trả, đền bù số tiền được cấp hoặc hỗ trợ...
Một số giáo viên, nhà quản lý giáo dục cũng đề nghị, cần có sự phân chia về lương và phụ cấp. Bởi giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với giáo viên ở vùng thuận lợi.
Vì vậy, việc có một mức lương riêng biệt cho giáo viên ở vùng khó khăn sẽ là động lực lớn, không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Hiện các ý kiến đóng góp đang được Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp để tiếp tục gửi ra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước đó, ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.