Không được nhất trí thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo, Bộ GD-ĐT giải trình

Sáng ngày 30/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố kết quả báo cáo thẩm tra Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho thấy đa phần ý kiến không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo. Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có thông tin giải thích rõ hơn về vấn đề này.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: L.S

Đại diện cho cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết, ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu là về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.

Theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay thì học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản mà người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Điều 105 Dự thảo sửa Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật Giá. Điều 105 nêu trên quy định: Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nội dung này được cơ quan thẩm tra rất đồng thuận.

Về tên gọi của Điều 65 Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là “Giá dịch vụ đào tạo” vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là Giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này. Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang Điều 105 nêu trên; nghĩa là, đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí.

Về nội dung, đối với dịch vụ do Nhà nước đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí để thực hiện và đối với các cơ sở GDĐH công lập, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá và giá cụ thể. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật GDĐH, quy định như trên với mục đích để đảm bảo đổi mới căn bản về tài chính GDĐH, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, minh bạch để người học lựa chọn các chương trình, cơ sở đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, Dự thảo mới được đưa ra xin ý kiến Quốc Hội và toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).


Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.


Lê Sơn/Báo Tin tức
Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt
Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt

Vừa qua, câu chuyện Giáo sư Trương Nguyện Thành (người có nhiều năm công tác tại Đại học Utah - Hoa Kỳ) không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đã quay trở lại Mỹ làm việc khiến dư luận tiếc nuối vì bỏ lỡ một người tài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN