Theo mục tiêu đặt ra trong Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020, đến năm 2015, sẽ có khoảng 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập sẽ được tiếp cận giáo dục. Theo nhiều ý kiến tại Hội nghị triển khai Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 (Đề án 1019) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức phi chính phủ CRS phối hợp thực hiện ngày 11/12, để đạt được mục tiêu này phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Trên 50% trẻ khuyết tật chưa được đến trường
Tại Thái Nguyên, khoảng 7,5% dân số là người khuyết tật. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên, ở địa phương, hiện nay trường Giáo dục hỗ trợ trẻ em thiệt thòi thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) là đơn vị chuyên về hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật.
Hướng dẫn trẻ khuyết tật học toán tại Trường Tiểu học Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 150 trẻ em thiệt thòi, chủ yếu là các em bị thiểu năng về trí tuệ, khuyết tật về nói, khiếm thính bẩm sinh và khiếm khuyết về vận động, được học tập tại trường. Những trẻ bị khuyết tật nhẹ có thể học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo bà Hằng, khó khăn trong thực hiện tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật ở Thái Nguyên hiện nay là còn rất thiếu cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Việc giáo dục hòa nhập chủ yếu là dành cho trẻ khuyết tật về vận động. Còn trẻ khiếm thị, khiếm thính... cần phải được hỗ trợ giáo dục tại trường chuyên biệt. Nhưng quy mô các trường còn nhỏ so với nhu cầu vì mới chủ yếu tiếp nhận trẻ khuyết tật ở thành phố Thái Nguyên, còn trẻ ở các huyện xa khó có cơ hội học tập tại các trường này.
Thái Nguyên không phải là trường hợp cá biệt. Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở Việt Nam, trẻ khuyết tật là một nhóm trẻ đông nhất trong số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật trong tổng số 6,7 triệu người khuyết tật. Trẻ khuyết tật ít được hòa nhập xã hội. Các em đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Theo UNICEF, hiện nay có trên 50% số trẻ khuyết tật chưa được đến trường. Do hạn chế trong tiếp cận giáo dục nên khi bước vào thị trường lao động, với trình độ học vấn hạn chế và được trang bị ít hoặc không có kỹ năng nghề, thanh niên khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các bạn cùng tuổi không khuyết tật. Hệ quả là, các em khuyết tật có cuộc sống nghèo khổ hơn đáng kể so với các bạn không khuyết tật cùng độ tuổi.
Chú trọng giáo dục hòa nhập
Đề án 1019 xác định mục tiêu năm 2015 sẽ có 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.
Đại diện UNICEF cho rằng: “Việc đặt mục tiêu 60% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập sẽ được tiếp cận giáo dục là một mục tiêu hết sức quan trọng, cần được Chính phủ quan tâm”.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên là thách thức không nhỏ. Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Trọng Đàm băn khoăn: “Hiện nay, một lớp học hòa nhập thường chỉ có một giáo viên. Trong khi đó ở các nước, phải có thêm người trợ giảng để hỗ trợ người khuyết tật trong quá trình học tập. Nếu tiếp nhận trẻ khuyết tật vào học ở lớp học hòa nhập mà điều kiện học tập không đáp ứng được thì người ta sẽ từ bỏ việc học”.
Do đó, theo bà Lê Hồng Loan, cần phải có đầu tư ngân sách ở các cấp để đầu tư về tài liệu học tập và đào tạo đội ngũ giáo viên. Đây là những vấn đề cốt lõi để tăng cường giáo dục cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, cần phải có các chiến lược giáo dục theo hướng ưu tiên cho nhóm trẻ thiệt thòi này.
Theo đại diện UNICEF, kinh nghiệm ở các nước, giáo dục hòa nhập là giải pháp tốt nhất cho giáo dục trẻ em khuyết tật. Trẻ em khuyết tật cần được học cùng với trẻ em bình thường. “Giáo dục chuyên biệt không chỉ đắt hơn về mặt chi phí mà còn tạo ra sự cách biệt về mặt xã hội đối với các em”, bà Loan nói. Vấn đề ở đây là cần đảm bảo nguồn tài liệu học tập và giáo viên được đào tạo các kỹ năng để có thể giúp các em trong quá trình học.
Nhiều nước đã và đang thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập rất có hiệu quả. Đối với Việt Nam, UNICEF đang phối hợp với Bộ GD - ĐT để tăng cường hơn về triển khai công tác giáo dục hòa nhập và đây sẽ là một trong những chiến lược rất quan trọng cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường các chính sách về an sinh xã hội để trợ giúp trẻ khuyết tật sống trong những gia đình nghèo có đủ điều kiện đến trường.
Một kinh nghiệm khác là cần song song cả hệ thống giáo dục chính thức và có cả hệ thống giáo dục không chính thức nhằm tạo ra các môi trường giáo dục không chính thức để giúp các em do những điều kiện về thể chất hoặc trí tuệ mà chưa thể tiếp cận với hệ thống giáo dục chính thức thì vẫn có được những kỹ năng sống, giúp các em có một môi trường để phát triển phù hợp...
Mạnh Minh