Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam (giữa). Ảnh: Dương Trí/TTXVN |
Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh một nước không được viện lý do, như áp dụng nội luật, để né tránh khắc phục sự cố xảy ra trên biển khi được yêu cầu qua đường dây nóng. Mặt khác, CUES cần được áp dụng cho tất cả tàu thuyền của chính phủ hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả tàu quân sự và bán quân sự.
Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được một Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc, toàn diện, thực chất và trở thành công cụ hữu hiệu giúp ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, với nguyên tắc COC phải là công cụ giải thích và giải quyết tranh chấp.
Mặt khác, các nước cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, buôn người, di cư bất hợp pháp, qua đó tăng cường hiểu biết và hạn chế các hành động bộc phát có thể gây hiểu lầm, dẫn đến xung đột.
Việc tăng cường hợp tác trên biển cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các thỏa thuận khu vực trong quá trình triển khai mọi hoạt động trên biển; tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của nước khác; đảm bảo sự tham gia tự nguyện, có trách nhiệm và vì lợi ích chung của tất cả các bên.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam nêu rõ cộng đồng quốc tế cần nghiên cứu thiết lập cơ chế giúp tập hợp, liên kết các điều khoản trong các công ước quốc tế hiện có và bổ sung các điều khoản mới để xây dựng các quy tắc ứng xử chung, các cơ chế can thiệp tập thể trong tình huống đột xuất, bất ngờ trên biển. Một khung pháp lý mang tính tổng quát sẽ giúp gia tăng trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế và giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột trên biển.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định Việt Nam cam kết tích cực hợp tác với các nước thành viên ASEAN cũng như các quốc gia khác trong và ngooài khu vực, thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng lòng tin và triển khai các biện pháp ngoại giao phòng ngừa nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột trên biển.
Việt Nam ủng hộ bất kỳ sáng kiến, cơ chế hợp tác nào có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế; ủng hộ việc triển khai các sáng kiến, dự án hợp tác trên biển trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các thỏa thuận quốc tế liên quan, tôn trọng và hài hòa lợi ích của tất cả các bên; tăng cường trao đổi thông tin và tích cực phối hợp hành động giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, học giả về biển và đại dương nhằm góp phần xây dựng và thực thi các biện pháp hiệu quả phòng tránh xung đột trên biển.