Cột mốc chủ quyền - niềm tự hào của người dân xã đảo Tiên Hải

Cột mốc sừng sững thuộc vùng biển Tây Nam ghi dấu chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) được người dân nơi đây xem là niềm tự hào và cùng nhau ra sức gìn giữ, bảo vệ.

Tiên Hải nằm cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 30 km, với 16 hòn đảo lớn nhỏ. Theo nhiều tài liệu ghi lại, khi xưa đảo này là nơi cướp biển hay lui tới thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại gây kinh hoàng cho các thuyền viên, nên đảo mới có tên gọi là Hải Tặc.

Ngày nay, Tiên Hải kết hợp với Hà Tiên làm nên điểm du lịch sinh thái khá lý tưởng. Không chỉ điểm đến đẹp mà đảo Tiên Hải còn có cột mốc chủ quyền chứng cứ lịch sử quan trọng thể hiện tính pháp lý của Việt Nam đối với vùng đất này. Trải qua bao thế kỷ, màu mực cột mốc nhạt phai, nhưng vẫn còn thấy rõ hàng chữ “quần đảo Hải Tặc” trên tấm bia kèm theo là tọa độ, phần đế trụ chữ nhỏ khắc sâu ghi tên các hòn đảo thuộc quần đảo; hàng chữ cuối cùng ghi: cán bộ quân sự thị sát và nghiên cứu đến viếng quần đảo ngày 28/7/1958. Tấm bia nhằm khẳng định chủ quyền biển Việt Nam , vì nơi này là biên giới biển giáp với Campuchia.

Theo ông Tăng Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, cột mốc là niềm tự hào đối với người dân xã đảo, mọi người giữ gìn cột mốc như giữ lấy mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cột mốc còn nhắc nhở nhân dân Việt Nam nói chung, người dân xã đảo nói riêng luôn luôn trân trọng và biết giữ gìn, bảo vệ.

Năm 2015, cột mốc được trùng tu khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cũ, mặt hướng về phía Tây nhìn thẳng qua vùng biển Campuchia. Không chỉ người dân xã đảo Tiên Hải, khách phương xa khi đến tham quan du lịch cũng xem cột mốc như một phần của lịch sử dựng nước và mang trên mình một sứ mệnh cao cả về chủ quyền biển đảo.

Anh Nguyễn Cao Thái, du khách đến từ thành phố Cần Thơ cho biết, trước khi đến tham quan ở xã đảo Tiên Hải, bản thân cũng tìm hiểu và biết đây còn tên gọi khác là quần đảo Hải Tặc. Đến đây nhìn thấy cột mốc chủ quyền quốc gia cảm thấy rất tự hào.

Theo ông Tăng Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, chính cột mốc chủ quyền và những câu chuyện cổ đã trở thành quan tâm đặc biệt của du khách khi đến Tiên Hải. Chính vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế của xã, Tiên Hãi sẽ khai thác tốt tiềm năng này. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh xã đảo và tuyên truyền cho người dân về chủ quyền biên giới quốc gia.

Cột mốc chủ quyền cũng là điểm tham quan lý tưởng đối với du khách khi đến địa bàn xã Tiên Hải. Trong định hướng phát triển du lịch, Tiên Hải xem đây là một trong những lợi thế, tiềm năng, nên sẽ đặc biệt quan tâm.

Tiên Hải giờ đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt, xã đảo giờ đã có trường trung học cơ sở, trạm y tế, bưu điện văn hóa, đường giao thông quanh đảo… Năm 2016, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng của Tiên Hải đạt trên 4.000 tấn, với tổng giá trị hơn 90 tỷ đồng, giúp ngư dân có cuộc sống ấm no.

Khách tham quan du lịch tìm đến xã đảo ngày một đông, năm 2016, xã đảo này đón trên 70.000 lượt khách tham quan, doanh thu từ du lịch trên 16 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa hình ảnh cột mốc chủ quyền trên xã đảo Tiên Hải ngày một nhiều người biết đến và việc giữ gìn cột mốc chính là bảo vệ chủ quyền biên giới quê hương.
 
Lê Sen (TTXVN)
Đảm bảo an ninh trật tự trên biển Kiên Giang
Đảm bảo an ninh trật tự trên biển Kiên Giang

Đảo đảm an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ môi trường biển, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản trên ngư trường là nhiệm vụ trọng yếu, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Kiên Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN