Khai thác hải sản phải hướng ra xa bờ

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tái cơ cấu ngành thủy sản sẽ theo hướng giảm số lượng tàu và sản lượng khai thác ven bờ, tăng sản lượng khai thác xa bờ.


Bất cập trong đánh bắt và bảo quản


Khai thác hải sản hiện nay đang theo 2 hình thức khai thác gần bờ và xa bờ. Tuy nhiên cả 2 hình thức này đang gặp những tồn tại nhất định làm hạn chế hiệu quả của ngành hàng được xác định phát triển theo hướng hàng hóa trong Chiến lược ngành thủy sản đến năm 2020. Khai thác hải sản gần bờ tuy đã có sự chuyển đổi mạnh cơ cấu tàu thuyền nghề ra xa bờ nhưng đến nay vẫn còn khoảng 80% số lượng thuyền nghề khai thác ven bờ bằng vỏ gỗ, không có hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đa phần bảo quản bằng đá lạnh, muối hoặc phơi khô; thực hiện chuyến biển trong ngày.

 

Ngư dân tỉnh Phú Yên đưa hải sản lên bờ tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa). Ảnh: Thế Lập-TTXVN

 


Khai thác hải sản xa bờ chiếm gần 20% tổng số tàu khai thác hải sản nhưng đang gặp khó khăn về kỹ thuật khai thác, cũng như bảo quản sau thu hoạch. Cùng với hạn chế về đội tàu, nguồn nhân lực cho khai thác hải sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chỉ có 30% số thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo nghề còn lại hoạt động nghề theo “cha truyền con nối”. Phần lớn ngư dân có trình độ thấp và chưa được đào tạo tay nghề.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 cũng xác định sẽ thành lập các đoàn tàu công ích hoạt động trên bốn ngư trường trọng điểm: Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản sản xuất hiệu quả. Các đoàn tàu công ích cùng các đội tàu hậu cần dịch vụ của các thành phần kinh tế hoạt động trên biển sẽ hình thành nên thị trường các sản phẩm dịch vụ nghề cá và các sản phẩm hải sản khai thác trên biển, tạo cơ hội, điều kiện cho lao động nghề cá có thể đi biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân.


Tại Phú Yên nơi có đội tàu thuyền tương đối mạnh ở khu vực Nam Trung Bộ nhưng hầu hết ngư dân chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp. Số lao động chủ yếu làm việc dựa vào kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế sản xuất. Đây cũng là lý do Phú Yên tuy là nơi xuất phát điểm nghề câu cá ngừ đại dương đầu tiên trong cả nước vào năm 1994, nhưng do vẫn sử dụng kỹ thuật đánh bắt truyền thống cùng với bảo quản còn thô sơ nên giá trị thu được từ sản phẩm đang có kim ngạch xuất khẩu thứ 3 sau con tôm và cá ba sa chưa cao.


Hiện nay, ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương thường sử dụng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng, cá ăn câu ở độ sâu lớn, khi thu câu nhanh, bị thay đổi áp suất đột ngột cộng với quẫy mạnh do bị làm chết bằng chầy gỗ đập vào đầu nên chất lượng thịt không cao. Cá lại chỉ được bảo quản bằng đá lạnh dài ngày nên hầu như chỉ đạt tiêu chuẩn làm cá hộp. Trong khi đó, chỉ duy nhất một ngư dân Nhật Bản thực hiện cả quy trình từ làm cá bình tĩnh trên biển và có thời gian làm quen thay đổi áp suất, sau đó bị làm cá chết rất nhanh bằng sợi kim loại chọc vào tủy sống rồi làm lạnh cá từ từ bằng nước đá tới khi đạt độ lạnh cần thiết đưa vào cấp đông. Với cách làm này, sản phẩm cá ngừ của Nhật Bản có giá trị gấp 10 lần cách khai thác của Việt Nam.


Hiện đại hóa đội tàu


Với định hướng đưa ngành thủy sản trở thành ngành hàng hóa có giá trị gia tăng, Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đã xác định tái cơ cấu ngành thủy sản sẽ theo hướng giảm số lượng tàu và sản lượng khai thác ven bờ, tăng sản lượng khai thác xa bờ. Cụ thể, đến năm 2020, sản lượng xa bờ chiếm 63,6% tổng sản lượng khai thác hải sản (hiện nay chiếm 48%), sản lượng khai thác ven bờ chiếm 36,4% (hiện nay chiếm 52%). Đồng thời, tập trung tăng các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, giảm mạnh sản lượng tôm và cá tạp.


Theo đó, ngành khai thác hải sản sẽ được đầu tư nguồn tài chính thích hợp để hiện đại hóa đội tàu như: đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá... Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các thành viên Chính phủ đã thống nhất về quan điểm để sớm ra đời chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, tinh thần chung là tính toán cho ngư dân vay ưu đãi để phát triển tàu sắt dành cho đánh bắt xa bờ một cách an toàn, hiệu quả.

 

Chính sách lần này sẽ hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất cho vay chỉ 3%/năm. Người đi vay thế chấp thân tàu và được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra Nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi, bám biển. Những tàu hậu cần cho ngư dân cũng được hưởng chính sách như những tàu đánh bắt xa bờ.


Vừa qua, 4 chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên đã được bàn giao cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ngãi… theo Đề án thí điểm đội tàu đánh cá vỏ thép nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản của Chính phủ. Theo các chủ tàu vỏ thép, tàu vỏ thép có kinh phí từ 5 - 7 tỷ đồng, cao hơn từ 60 - 70% so với tàu vỏ gỗ nhưng cho hiệu quả cao hơn. Cụ thể, loại tàu này có kết cấu thân vỏ bền hơn, trữ được nhiều nước, lương thực, nhiên liệu và điều kiện sinh hoạt ăn ở cho thuyền viên tốt hơn. Bên cạnh đó, các tàu vỏ thép có mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn so với vỏ gỗ nên thời gian đánh bắt trên biển có thể kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng. Đặc biệt tàu vỏ thép được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, các khoang cá được thiết kế đúng quy chuẩn nên thời gian bảo quản cá dài hơn.


Huyền Tím - Thu Hạnh

Đóng tàu vỏ thép phải đảm bảo bền vững và phù hợp nguyện vọng ngư dân
Đóng tàu vỏ thép phải đảm bảo bền vững và phù hợp nguyện vọng ngư dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chúng ta luôn mong muốn trang bị cho ngư dân tàu to hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn, nhưng phải gắn liền với tính hiệu quả, đảm bảo tính bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN