Tỉnh đã trao quyết định đóng mới 33 chiếc từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho 33 hộ và nhóm hộ ngư dân. Đây cũng là những chiếc tàu đầu tiên trong loạt tàu 92 chiếc được tỉnh Quảng Nam triển khai đóng mới năm 2015. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn còn băn khoăn bởi đây là lần đầu tiên được tiếp cận với tàu đánh cá bằng vỏ sắt hiện đại.
Một tàu cá vỏ thép được bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyên Lý- TTXVN |
Trong số 33 chiếc tàu đóng mới này, 14 chiếc tàu là vỏ thép, 17 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ bằng vật liệu composit. Mỗi chiếc tàu có công suất từ 750 CV - 1.200 CV. Mức vay tương ứng từ trên 5,5 tỷ đến 13,5 tỷ đồng. Những con tàu này được kỳ vọng nâng cao chất lượng đội tàu thuyền khai thác xa bờ của tỉnh Quảng Nam .
Ông Nguyễn Thanh Tiến, ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành, là một trong những người được tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh sách đợt 1 vay vốn ưu đãi từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho biết: "Gia đình tôi được tỉnh phê duyệt cho vay 13 tỷ đồng để đóng mới tàu bằng vỏ thép. Điều lo lắng nhất là chưa rõ nguyên liệu thép dùng để đóng tàu là thép loại gì".
Thực tế từ những con tàu đánh cá được đóng bằng vỏ thép mà bản thân ông Tiến có dịp tiếp cận cho thấy, nếu là thép của Nhật Bản, Nga hoặc của một số nhà máy thép có tiếng trong nước thì con tàu sẽ hoạt động được 25-30 năm. Trường hợp sử dụng thép nhập khẩu có chất lượng không tốt thì chỉ sau 5 năm tàu sẽ hỏng.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Cả, xã Tam Quang, huyện Núi Thành lại có nỗi lo khác. Ông Cả cho hay, ông được vay 13,5 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện, ông không biết cơ sở đóng tàu ở đâu, chất lượng tàu vỏ thép thế nào. Trong quá trình đóng tàu, cơ quan nào sẽ giám sát chất lượng tàu vỏ thép mà ngư dân được đóng.
Trước những lo lắng của ngư dân về chất lượng, mẫu mã của tàu cá vỏ thép, ông Trần Quốc Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam khẳng định: Về mẫu tàu cá vỏ thép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu 21 mẫu thiết kế tàu theo từng ngành nghề để bà con lựa chọn.
"Bà con thấy mẫu tàu nào phù hợp với ngành nghề khai thác hải sản của gia đình thì lựa chọn. Trường hợp đã lựa chọn được mẫu tàu nhưng bộ phận trên tàu chưa thật sự phù hợp với ngành nghề của mình, bà con liên hệ với đơn vị thiết kế chỉnh sửa, hoàn thiện theo yêu cầu", ông Việt bổ sung.
Ông Trần Quốc Việt cũng cho biết thêm: Về nguyên tắc, tất cả các vật liệu đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân đều theo quy chuẩn Nhà nước quy định. Việc giám sát đóng tàu cá vỏ thép cũng sẽ được cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Đơn vị thi công đóng tàu chỉ được phép sử dụng những loại vật liệu đơn vị thiết kế cho phép và cơ quan chức năng đã thẩm định. Vì vậy chất lượng nguyên liệu thép để đóng vỏ tàu cũng như mẫu tàu, bà con không phải băn khoăn.
Lo lắng của bà con ngư dân là điều dễ hiểu, bởi từ xưa đến nay, các thế hệ ngư dân chỉ quen với những chiếc tàu đánh cá vỏ gỗ, công suất nhỏ, hoạt động chủ yếu ở ngư trường gần bờ. Với nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bà con không chỉ đóng mới tàu có công suất lớn bằng vỏ gỗ mà đã chính thức bước vào thời kỳ vận hành khai thác tàu vỏ sắt với nhiều tính năng và ưu thế vượt trội so với tàu vỏ gỗ truyền thống.
Đoàn Hữu Trung (TTXVN)