Từ bao đời nay, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn
DK1 là ngư trường khai thác hải sản truyền thống của ngư dân Khánh Hòa.
Tiếp nối thế hệ đi trước, ngư dân Khánh Hòa luôn nêu cao tinh thần đoàn
kết, đóng tàu mới vươn khơi, bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển,
đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Khánh Hòa đang được hỗ trợ các nguồn lực để yên tâm ra khơi bám biển. Ảnh: baogialai.com.vn |
Sáp nhập tổ, đội khai thác hải sản trên biển Cùng với ngư dân cả nước, ngư
dân Khánh Hòa không hề nao núng trước hành động ngang ngược của Trung
Quốc mà vẫn kiên cường bám biển, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết
bằng việc tự nguyện sáp nhập tổ, đội hiện có thành lập tổ, đội mới có số
tàu gấp đôi để cùng vươn khơi, bảo vệ ngư trường truyền thống.
Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước, thành phố Nha
Trang vừa thành lập “Đội bảo vệ chủ quyền” với 10 tàu cá, trên cơ sở sáp
nhập hai đội khai thác hải sản trên biển. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá
phường Vĩnh Phước, ông Lê Trọng Hải, cho biết: "Ngư dân trên các tàu cá trong
“Đội bảo vệ chủ quyền” được tập huấn kỹ năng xử lý tình huống va chạm
trên biển, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn. Đội được tổ chức
chặt chẽ, đoàn kết, nên ngư dân rất phấn chấn, tin tưởng và nguyện luôn
sát cánh cùng nhau bám biển mưu sinh, bảo vệ ngư trường truyền thống.
Đến nay, hầu hết chủ tàu cá còn lại trong nghiệp đoàn đã tự nguyện viết
đơn xin vào đội".
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đang tăng cường hỗ trợ sáp
nhập các tổ, đội khai thác hải sản trên biển. Dự kiến sau khi sáp nhập,
mỗi tổ, đội sẽ có từ 8 đến 10 tàu cá đánh bắt xa bờ.
Theo ông Nguyễn
Văn Đẩu, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh
Hòa, việc sáp nhập các tổ, đội khai thác hải sản trên biển giúp ngư dân
thuận lợi hơn khi vay vốn để đóng mới, cải hoán tàu, mua sắm ngư lưới
cụ. Các tổ, đội sau khi sáp nhập cùng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm
Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV và Đài Thông tin Duyên
hải Nha Trang để được hỗ trợ về thông tin, cứu nạn; qua đó bảo vệ nhau
tốt hơn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Đóng tàu công suất lớn- nhu cầu cấp thiết của ngư dân
Việc đóng tàu mới, nhất là tàu vỏ sắt và composite công
suất lớn để khai thác xa bờ hiệu quả đang là nhu cầu cấp thiết đối với
ngư dân Khánh Hòa. Ông Lê Văn Tuấn, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha
Trang, có đội tàu gồm 5 chiếc, công suất từ 270CV đến 450CV, làm nghề
lưới vây ở ngư trường Trường Sa. Đội tàu này được đóng bằng gỗ và đã đi
biển nhiều năm nên hiệu quả khai thác thấp, lại thiếu an toàn, vì vậy
ông Tuấn muốn thay thế bằng tàu vỏ composite, công suất trên 1.000CV.
"Tàu vỏ composite phù hợp nhất với nghề đang làm ở ngư trường Trường Sa
do có nhiều ưu điểm, như: bảo quản hải sản bằng hầm lạnh, đi biển được
dài ngày, bền, chắc, chi phí đóng mới và bảo dưỡng không quá cao”- ông
Tuấn cho biết.
Với kinh nghiệm 40 năm đi biển,
ông Mai Thành Phúc, đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, cho rằng, nhu cầu
đóng mới tàu cá công suất lớn của ngư dân đang rất cấp thiết. Chỉ riêng 6
ngư đội Trường Sa, gồm Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Lát, Đá
Nam và Đá Tây đã gửi 32 hồ sơ xin vay vốn để đóng tàu mới. Nếu được vay
số tiền lớn, dài hạn với lãi suất ưu đãi, thì ngư dân sẽ đóng được tàu
vỏ sắt hoặc composite công suất lớn để đánh bắt xa bờ hiệu quả và an
toàn hơn”. Theo tính toán của ngư dân, chi phí để đóng một tàu vỏ sắt
hoặc composite công suất trên 1.000CV khoảng 6 tỷ đồng.
Thực tế thì từ trước đến nay, phía ngân hàng chủ yếu dành nguồn vốn
cho vay để thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Còn việc cho ngư dân
vay vốn để đóng mới tàu công suất lớn rất hạn chế do tài sản thế chấp
của ngư dân thường không đảm bảo. Đây cũng là lý do chính giải thích vì
sao, từ trước đến nay ngư dân chỉ đóng được tàu gỗ, công suất nhỏ.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh
Hòa, ông Đoàn Vĩnh Tường, cho rằng: Cần sớm đưa gói hỗ trợ cho ngư dân như
đã đề xuất đi vào cuộc sống. Với gói hỗ trợ này, phía ngân hàng đang rất
quan tâm đến thời hạn cho ngư dân vay vốn đến trên 10 năm và khả năng
thu hồi vốn. Về lãi suất cho ngư dân vay chỉ khoảng 3% như đề xuất, thì
phần chênh lệch giữa lãi suất ưu đãi cho ngư dân vay với lãi suất ngân
hàng huy động tiền từ thị trường, địa phương hay trung ương sẽ hỗ trợ
ngân hàng phần lãi suất chênh lệch này? Đối với ngư dân, cần tổ chức lại
sản xuất trên biển để nâng cao năng lực khai thác hải sản. Ngư dân cũng
cần được phía ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục để vay
vốn ưu đãi đóng tàu mới công suất lớn.
Trong khi chờ đợi chủ trương của trung ương thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân cả nước, những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về ngư dân, hướng về biển Đông. Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam tại Khánh Hòa (BIDV) đã tài trợ 500 triệu đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” để hỗ trợ cho ngư dân trong tỉnh thông qua Hội nghề cá Khánh Hòa. Nghĩa tình này cũng là một động lực để ngư dân Khánh Hòa cảm thấy họ không đơn độc trong những chuyến ra khơi xa. |
Nguyên Lý