Tàu TH-92828-TS đã được hạ thủy thành công.
|
Đây là con tàu đầu tiên theo Nghị định 67 của Chính phủ được hoàn thành và hạ thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau 6 tháng khởi công đóng mới.
Tàu này có chiều dài 25,3m, rộng 7,25m, cao 3,55m, công suất máy 822 CV, tổng kinh phí đóng mới 12 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ 7,8 tỷ đồng. Tàu được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, có thể tham gia đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Đây là tàu khai thác, làm nghề mành chụp kết hợp nghề câu.
Ngư dân Viên Đình Hiền, chủ tàu TH-92828-TS cho biết: "Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Sầm Sơn, gia đình tôi đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển. Trong tháng 11 này, tàu TH-92828-TS sẽ ra khơi chuyến đầu tiên, hy vọng chuyến đi biển này sẽ khai thác đạt hiệu quả cao. Gia đình tôi sẽ sớm hoàn thành trả vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển nghề đánh bắt thủy sản của thị xã Sầm Sơn".
Sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành, chính quyền địa phương các cấp đã đạt được một số kết quả khá tốt. Trong đợt 1, Thanh Hóa đã phê duyệt 47 hồ sơ cho các chủ tàu có đủ điều kiện tham gia đóng mới tàu cá, dịch vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ; trong đó có 30 tàu vỏ thép, 16 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc thép. Trong số 47 hồ sơ có 4 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần, 43 tàu làm nghề khai thác.
Tính đến hết tháng 10/2015, Thanh Hóa có 22/47 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng và đang triển khai đóng tàu; trong đó có 15 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ. Các chi nhánh ngân hàng thương mại cho vay gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BIDV và Công Thương; trong đó tổng số tiền đã được các ngân hàng giải ngân đóng mới cho 10 tàu là 35,5 tỷ đồng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã lựa chọn được 3 thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới rê, lưới chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá cho việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.