Ba yếu tố cho thấy thị trường bất động sản đang phục hồi nhanh

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quý 1/2022, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP tốt hơn cùng kỳ năm 2020, năm 2021, trong đó, nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS tăng 213% và số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường phục hồi nhanh

Đáng chú ý, dẫn số liệu so sánh với thời điểm năm 2010, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm; lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Với thị trường BĐS, Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Còn theo Kênh thông tin dịch vụ BĐS batdongsan.com.vn, thị trường BĐS quý I/2022 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, cho thấy tốc độ phục hồi nhanh. Điều này thể hiện chủ yếu qua 3 yếu tố đánh giá mà batdongsan.com.vn khảo sát nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Quý I/2022 ghi nhận nhiều thông tin tích cực với kinh tế vĩ mô. Ảnh: batdongsan.com.vn.

Số lượt tìm kiếm các sản phẩm BĐS của nhà đầu tư BĐS trong quý I/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tăng khoảng 2% so với quý I/2019 - trước thời điểm dịch bệnh. Thực tế này cho thấy, BĐS vẫn được quan tâm, bất chấp những tác động tiêu cực và kéo dài từ dịch COVID-19. Thậm chí, nhu cầu tìm kiếm, sở hữu BĐS còn tăng cao hơn, ở cả nhu cầu đầu tư và an cư.

Thị trường cho thuê dù đã hồi phục mạnh trong quý I, nhưng mức độ quan tâm vẫn chưa trở về mốc trước dịch. Theo đó, lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê hồi phục khoảng 94%; nhà mặt phố cho thuê hồi phục khoảng 84% so với quý I/2019. Riêng phân khúc căn hộ cho thuê ghi nhận lượng tìm kiếm hồi phục hoàn toàn, tăng 57% so với trước dịch. Dự báo năm 2022, phân khúc BĐS cho thuê tiếp tục phục hồi khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát và các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Phân khúc đất nền được tìm kiếm nhiều hơn so với thời điểm trước dịch, đây cũng là phân khúc BĐS phục hồi nhanh nhất. Lượt tìm kiếm đất nền trong quý I/2022 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế, những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu các năm 2020 - 2021, cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm đất tăng mạnh. Tuy nhiên, phân khúc đất nền tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, phía Nam có phần giảm nhiệt so với đầu năm 2021, riêng đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14%, nhất là tại các tỉnh Đắk Lăk, Khánh Hòa, Bình Thuận... 

Các chuyên gia BĐS cũng đưa ra nhận định, thị trường BĐS phục hồi nhanh còn nhờ nhu cầu tìm kiếm BĐS tại Hà Nội ổn định, trong khi tại TP Hồ Chí Minh có phần giảm nhiệt do giá bán đang ở vùng nóng và nguồn cung khan hiếm. Song, mặt bằng giá rao bán đất thổ cư tại cả hai thị trường đều có xu hướng tăng, đặc biệt là ở khu vực vùng ven như Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) hay Củ Chi, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).

Triển vọng các phân khúc

Về triển vọng thị trường BĐS và các phân khúc BĐS trong quý II, khảo sát của batdongsan.com.vn dự báo xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó phân khúc BĐS công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm BĐS nghỉ dưỡng và thương mại.

Sự phục hồi của phân khúc BĐS nhà ở được thúc đẩy từ cả hai yếu tố cung và cầu, cộng hưởng với mặt bằng lãi suất thấp, pháp lý được nới lỏng và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một trong những mục tiêu của chiến lược là phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập thấp và trung bình. Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp BĐS đã công bố những dự án mới, hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nguồn cung nhà ở giá rẻ từ nay đến cuối năm, mặc dù lượng cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân.

Phân khúc BĐS công nghiệp có nhiều yếu tố thuận lợi từ vị trí địa lý, quỹ đất cho khu công nghiệp lớn, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam do tác động của các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, môi trường kinh tế - chính trị ổn định và lợi thế cạnh tranh khi giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Những yếu tố này sẽ tạo lực đẩy phát triển và sức hấp dẫn đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp trong quý II. 

Ở phân khúc BĐS thương mại văn phòng và bán lẻ, sau khi chịu những tác động nặng nề của đại dịch, năm 2022, phân khúc này có nhiều triển vọng tích cực trong bối cảnh mở cửa trở lại. Thị trường văn phòng sẽ được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng cho thuê của khu vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử và nhu cầu trung tâm dữ liệu tăng cao. Thị trường bán lẻ cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi ngành Du lịch được mở cửa trở lại, cùng với sự gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn.

Qua tìm hiểu, sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp BĐS hiện phụ thuộc nhiều vào việc rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ cuộc khủng hoảng do tác động bởi dịch bệnh và những hành động để tăng cường khả năng phục hồi, nhất là nhanh chóng thực hiện, rà soát các quy trình hiện tái cấu trúc để chuẩn bị tốt hơn trong trạng thái bình thường mới và hạn chế tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Bất động sản phía Bắc trở thành 'điểm sáng' thị trường trong quý II/2022
Bất động sản phía Bắc trở thành 'điểm sáng' thị trường trong quý II/2022

Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với những điều kiện mới trong bối cảnh mới, thị trường bất động sản (BĐS) miền Bắc trong năm 2022 dự báo sẽ có nhiều biến chuyển về sản phẩm, xu hướng đầu tư, các điểm đến tiềm năng và sẽ trở thành "điểm sáng" thị trường cả nước trong quý II/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN