Lợi thế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 18 ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với hơn 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh BĐS duy trì vị trí thứ 3, với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD.
Tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS thế giới tại Việt Nam (Savills Việt Nam) thống kê, mặc dù những tháng đầu Việt Nam phải chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng thị trường BĐSCN vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực, như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp, kéo theo sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới. Điển hình là những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong 2 quý đầu của năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore tại hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Nhờ vậy, chi phí thuê đất KCN tại nhiều địa phương đang giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐSCN Việt Nam ghi nhận giá trị tăng trưởng ổn định, bất chấp những khó khăn chung và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đến tháng 7/2021, cả nước có 335 khu công nghiệp KCN được thành lập, trong đó có 260 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 76% và 75 khu đang xây dựng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy KCN ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ, cụ thể tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh lên đến 95%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Còn tại khu vực phía nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại Bình Dương là 99%, Long An là 84%, Bà Rịa-Vũng Tàu là 79%...
Phân tích chung về thị trường, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐSCN của Savills Việt Nam cho rằng, tính theo khu vực, thì phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, tương đương 23% và khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, khoảng13%. Còn nếu xét theo các tỉnh, thì Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD…
Sức hấp dẫn của BĐSCN còn thể hiện qua hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), khi thị trường chứng kiến một số thương vụ M&A mới trong những tháng đầu năm 2021 như: Công ty TNHH Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead. Sự hợp tác này có thể mang lại 13 tài sản BĐSCN, với khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng diện tích cho thuê; hay ESR Cayman Limited (Công ty BĐS hậu cần lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương) và Công ty CP Phát triển công nghiệp BW (Nhà vận hành BĐSCN hàng đầu Việt Nam) cũng đã liên doanh phát triển 240.000 m2 diện tích BĐSCN tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP Hồ Chí Minh…
Hàng loạt KCN sắp “chào hàng”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hàng loạt địa phương đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất xây dựng KCN mới, để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong những năm tới. Đơn cử, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt các KCN mới đa ngành Triệu Phú 529 ha, KCN Quảng Trị 481,2 ha; tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang hoàn thiện dự án KCN Sông Lô, Tam Dương 1, Thái Hoà-Liên Sơn-Liên Hoà hơn 500 ha; tỉnh Đồng Nai đã công bố kế hoạch xây dựng 3 KCN mới rộng 6.475 ha; tỉnh Long An dự kiến sẽ có dự án KCN mới giá trị 59 triệu USD tại huyện Đức Hoà...
Các chuyên gia BĐS cho rằng, phân khúc BĐSCN đang trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư lớn, cần làm tốt được khâu phát triển hạ tầng các KCN, nên các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, các chủ đầu tư chuẩn bị được quỹ đất sạch một cách nhanh nhất.
Thêm vào đó, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và các nước Liên Minh Châu Âu EVFTA được ký kết vào tháng 8/2020, làn sóng các KCN mới đang đồng loạt hình thành được kỳ vọng sẽ là những đối tượng thu hút dòng vốn ngoại, thúc đẩy sự phục hồi của các ngành sản xuất hàng hóa cung ứng xuất khẩu, đón đầu thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát, tạo thêm động lực cho quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp giá trị thấp sang các ngành công nghiệp có giá trị cao hơn.Ngoài ra, các chuyên gia BĐS nhận định, BĐSCN và hậu cần (logistics) bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sẽ đón nhận nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới, bởi sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư.