Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ngày 26/6 đã lên tiếng cảnh báo các nền kinh tế mới nổi đang đứng trước nguy cơ nợ mới và "bong bóng" bất động sản tương tự như ở các nền kinh tế tiên tiến.BIS nói rằng các nền kinh tế thị trường đang nổi đã từng tránh được tình trạng tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu vừa qua, tuy nhiên, rất nhiều nguy cơ về sự mất cân bằng đã nảy sinh tương tự như ở các nền kinh tế tiên tiến trước khi khủng hoảng ập đến.
Chẳng hạn như giá bất động sản ở các nền kinh tế đang nổi tăng với tỷ lệ rất lớn, trong khi nợ của lĩnh vực tư nhân cũng tăng nhanh. Trước thực tế này, BIS khuyên các nhà hoạch định chính sách cần thừa nhận rằng các bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua không chỉ áp dụng với các nền kinh tế tiên tiến.
Nhận định của BIS được đưa ra tiếp ngay sau cảnh báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi giữa tháng 6/2011. Theo đó, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức này, Olivier Blanchard, cho rằng một số nền kinh tế đang nổi ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá "nóng".
Tuy nhiên, trong khi IMF không chỉ đích danh một nước nào thì BIS cho thấy tăng trưởng tín dụng nhiều rủi ro ở Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ ghi mức cao kỷ lục hơn 20%/năm trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010.
Tại Trung Quốc, được "tiếp sức" từ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, giá bất động sản đã "đánh bại" các biện pháp làm dịu thị trường của chính quyền trung ương, khiến "gã khổng lồ châu Á" này phải chạy đua trong việc xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, nhằm tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản.
Bên cạnh giá bất động sản, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nền kinh tế đang nổi, khiến các ngân hàng trung ương phải vất vả chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất cơ bản. Cùng với đó, một nguy cơ mới khác đang ngày càng trở nên rõ ràng đó là nguồn tiền "nóng" đổ vào các thị trường đang nổi.
TTXVN/Tin tức