Khoảng 400 chung cư tại Hà Nội được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước nay nhiều chung cư xuống cấp đã đến mức nguy hiểm. Đã có hành lang pháp lý, song hàng loạt khúc mắc nảy sinh đang khiến việc cải tại chúng dậm chân tại chỗ.
Đền bù- đau đầu
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 23 khu tập thể, trong đó các khu tập thể có quy mô lớn như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân... cùng hàng trăm chung cư biệt lập (nằm xen lẫn các khu dân cư). Tổng số trên địa bàn có khoảng hơn 400 chung cư cũ, trong số đó, phần lớn đã đến giai đoạn phải cải tạo, xây mới.
Trước thực tế trên, cách đây 3 năm, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm xây mới đối với một số chung cư tại các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên... Mặc dù chương trình được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng cho đến nay mới chỉ có 3 chung cư gồm B7, B10 và B14 thuộc khu tập thể Kim Liên là hoàn thành. Các dự án tại Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công và nhiều khu tập thể biệt lập khác vẫn giậm chân tại chỗ.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, chủ hộ 413, chung cư A1- Thành Công cho biết, đã được chủ đầu tư đến khảo sát, thăm dò ý kiến để cải tạo chung cư. Theo quy định số 48 của TP Hà Nội về cải tạo chung cư, diện tích của các căn hộ cũ được tính là 1 thì khi chung cư xây mới, quy đổi sẽ thành 1,3. Tuy nhiên, phần lớn hộ dân của chung cư A1 không đồng ý mà yêu cầu tỉ lệ quy đổi phải là 3. Chủ đầu tư đành bó tay bởi cũng trong Quyết định 48 thì chung cư chưa đến mức nguy hiểm, phải được 2/3 số hộ đồng ý, chủ đầu tư mới được tháo dỡ, xây mới.
Ngay cả các chung cư đã bị liệt vào diện nguy hiểm, tình hình cũng chưa ngã ngũ, do người dân cho rằng, tỉ lệ quy đổi 1x1,3 là thiệt cho họ trong khi các chủ đầu tư sẽ hưởng lợi từ 300 - 400% khi xây mới chung cư cũ, đặc biệt là các chung cư có vị trí "vàng" do nằm ở mặt đường lớn. Đây là nút thắt đầu tiên khiến các dự án thí điểm trong chương trình cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bị giậm chân tại chỗ.
Nhà xây cao đến đâu
Nút thắt thứ hai là chủ trương tạm dừng xây nhà cao tầng trong 4 quận nội thành của TP Hà Nội. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 9/12/2009), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành phố Hà Nội: "Dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm!". Với chủ trương này, hàng loạt các dự định, dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ mà các doanh nghiệp đã và đang xúc tiến đầu tư đã phải đình lại.
Nhận thấy việc dừng các dự án đã và đang triển khai trong 4 quận của Hà Nội có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và gây khó khăn trong việc quy hoạch phát triển thủ đô, UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ cho tiếp tục triển khai các dự án đang làm dở, đặc biệt là các dự án nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố như chương trình cải tạo các khu tập thể cũ nát trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của TP Hà Nội và chỉ lưu ý: "Việc xem xét, xử lý đối với xây dựng nhà cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành trong thời gian tới cần phải tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc theo quan điểm và nguyên tắc quản lý không gian, tuân thủ quy chuẩn quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực!".
Mặc dù đã có ý kiến trên của Thủ tướng, nhưng một khó khăn mới lại nảy sinh là quy hoạch chung của thủ đô chưa có nên Hà Nội chưa thể có quy hoạch riêng cho từng khu vực có chung cư cũ. Như vậy, chưa rõ chung cư cũ phải cải tạo sẽ được xây dựng cao đến bao nhiêu? Mà đây là vấn đề cốt lõi của mỗi dự án.
Theo ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Việt Nam, nếu được biết quy định về chiều cao của chung cư xây mới thì doanh nghiệp mới tính được chi phí vốn và hiệu quả để quyết định có đầu tư hay không. Nếu không biết rõ, doanh nghiệp sẽ không dám làm bởi chi phí cho việc "xin" xây cao tầng rất tốn kém.
Ngoài 2 nút thắt trên, chương trình còn rất nhiều nút thắt khác, như: Ách tắc trong việc giải phóng mặt bằng, bởi phần lớn các chung cư cũ đều bị người dân cơi nới, lấn chiếm đất lưu không xây nhà từ hàng chục năm qua, nay việc xử lý rất khó khăn. Cạnh đó là việc vay vốn để đầu tư dự án. Trong Quyết định 48 có nêu, doanh nghiệp thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ được ưu tiên vay vốn để làm dự án từ quỹ đầu tư phát triển hoặc quỹ phát triển nhà ở của địa phương... Nhưng, cơ chế vay không rõ nên chưa doanh nghiệp nào được vay vốn từ các nguồn quỹ này để triển khai dự án.