Thủ tục không giảm còn tăng thêm
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 của Chính phủ, trong khi hầu hết các chỉ số liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đều cải thiện thì thời gian cấp giấy phép xây dựng trên thực tế lại kéo dài thêm tới 52 ngày. Cụ thể, tổng thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan năm 2016 là 166 ngày trong khi năm 2015 chỉ là 114 ngày.
Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 đã nêu đích danh một số vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp (DN) khi xin cấp phép xây dựng, bao gồm: Quy định về việc cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng trong khi hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết hoặc chưa có đầy đủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; phần lớn các dự án, công trình phải được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật…
Doanh nghiệp phàn nàn tiến độ cấp phép xây dựng quá chậm chạp. Ảnh minh họa. |
“Các quy định này dẫn đến kéo dài thời gian cấp phép xây dựng và làm tăng chi phí rất lớn cho DN”, bà Phan Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá.
Theo đánh giá của các DN xây dựng, xin cấp phép xây dựng là một trong những thủ tục hành chính tốn thời gian nhất. Đại diện Công ty Thương mại - Xây dựng Lê Thành (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Chúng tôi làm 8 dự án nhà ở mà không có dự án nào xin cấp phép dưới 30 tháng, có dự án mất 4 - 5 năm”. Trong khi thời gian quy định Nhà nước từ khi xin phép đến khởi công chỉ khoảng 26 tháng (với dự án lớn). Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho DN.
Đồng tình với điều này, ông Thân Thanh Vũ, Phó Chủ tịch Hội BĐS Du lịch Việt Nam cho biết, đầu tư phát triển một dự án resort 4 - 5 sao với quy mô khoảng 10 ha với 300 phòng sẽ liên quan đến khoảng 12 cơ quan ban ngành, địa phương và chịu sự chi phối của ít nhất 7 bộ luật, gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Lao động và Luật Dân sự cùng rất nhiều văn bản dưới luật.
Mặt khác, nhiều dịch vụ trong lĩnh vực quản lý xây dựng đã phát sinh trong đời sống nhưng lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho DN. Ông D., nguyên cán bộ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) chia sẻ: “Chúng tôi từng lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội xin cấp phép cho dịch vụ quản lý chung cư, thuê 2 công ty luật tại Hà Nội nhưng đều không được cấp phép làm dịch vụ này. Cơ quan quản lý trả lời rằng luật chưa có quy định về loại hình kinh doanh đó nên họ không thể cấp phép và hồ sơ bị gác lại”.
Ông D. cho biết sau khi không xin được giấy phép cho dịch vụ quản lý chung cư, DN đã phải xin cấp phép kinh doanh cho từng lĩnh vực liên quan đến quản lý chung cư bao gồm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường… Việc “chẻ nhỏ” hồ sơ xin cấp phép khiến DN mất nhiều thời gian và chi phí cho các thủ tục hành chính.
Kiến nghị để địa phương cấp phép
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc cấp phép xây dựng chậm là bởi hầu hết dự án phải được Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt.
Cụ thể, theo quy định của Luật Nhà ở 2014, các dự án phát triển nhà ở có quy mô từ 2.500 căn trở lên; dự án nhà ở có quy mô từ 100 ha trở lên ở ngoại thành, từ 50 ha trở lên ở nội thành phải trình Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét quyết định. Còn theo quy định của Luật Xây dựng 2014, tất cả các công trình nhà ở cao tầng cấp 1 (từ trên 22 tầng) đều phải trình Bộ Xây dựng xem xét quyết định. Quy định này không phù hợp với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
“Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ giao quyền cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh xem xét quyết định phê duyệt tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn, không phân biệt quy mô, để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian và tiết kiệm chi phí, ngoại trừ các công trình cao trên 100 m hoặc công trình cấp đặc biệt”, ông Châu đề xuất.
Liên quan đến việc hiện nay, hầu hết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở phải có bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án, ông Châu cho rằng quy định này mâu thuẫn với Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP bởi “quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉ thực hiện sau khi đã công nhận chủ đầu tư dự án”. Hiệp hội kiến nghị trong thành phần hồ sơ chỉ cần kèm theo bản vẽ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của khu vực có dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về vấn đề này, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng các địa phương, đặc biệt các đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, làm quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị chậm trễ khiến cơ quan quản lý không có cơ sở để xem xét cấp phép xây dựng. Và chính điều này dẫn đến việc phải “thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc đối với từng công trình nhà ở”, dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Ông Dung cho biết thêm, Cục đang rà soát các quy định về việc cấp phép xây dựng để tiến đến loại bỏ các quy định không cần thiết theo tinh thần Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Chẳng hạn, việc quy định hồ sơ cấp phép xây dựng phải có bản vẽ thiết kế xây dựng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính công trình đó và các công trình xung quanh. Tuy nhiên quy định này cũng khiến tiến độ cấp phép bị chậm. Do vậy, có thể sẽ quy định chỉ cần một số bản vẽ như mặt bằng, mặt cắt chính, mặt đứng mà không phải nộp tất cả các bản vẽ có trong hồ sơ thiết kế.