Chia nhỏ căn hộ chung cư - Giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích”

Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành - TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực vừa gửi công văn đến các cấp quản lý đề xuất giải pháp tháo gỡ tình trạng “băng giá” thị trường bất động sản phía Nam, cụ thể là phân khúc căn hộ chung cư. Giải pháp mà vị giám đốc Đất Lành đề xuất trùng với quan điểm của các chuyên gia uy tín của thị trường bất động sản. Giải pháp nếu được triển khai có thể coi như “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Căn hộ chung cư - hai miền đều ế ẩm

Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, tính đến tháng 7/2011, trên địa bàn đang tồn khoảng 110.000 căn hộ chung cư các loại có nhu cầu cần chuyển nhượng. Nghịch lý là nhà thì thừa nhưng cũng trên địa bàn này đang có hàng triệu người “đói căn hộ” - (không có nhà ở hoặc nhà ở chật chội) vì thu nhập không đủ để mua nhà, dù là nhà thương mại trả góp hay nhà thu nhập thấp.

Một khu chung cư mới hiện đại tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: Văn Khánh-TTXVN


Vẫn theo khảo sát của Đất Lành, trước tình hình khó khăn của thị trường, hơn 70% doanh nghiệp BĐS TP.HCM đã tiếp tục giảm giá nhà, đất từ 10 – 20% trong 6 tháng đầu năm để thu hồi vốn hoặc chịu lỗ ít. Nhưng vẫn chưa đủ để “kích cầu” cho thị trường BĐS. Chính vì vậy, các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM đang mong muốn cơ quan quản lý thị trường BĐS có giải pháp mang tính đột phá giải quyết hài hòa 3 lợi ích doanh nghiệp – người có nhu cầu về nhà ở và vai trò điều hành thị trường BĐS của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Sơn Trung, Giám đốc Công ty BĐS Đất Nam Đô, thị trường BĐS TP.HCM đã lâm vào suy giảm gần 3 năm nay, 2 năm qua, mỗi năm BĐS đều giảm giá từ 10 - 15% và cho đến nay, giá nhà, đất đã giảm ít nhất 30% nhưng thị trường chưa có tín hiệu ấm lại. Hiện giá nhà thương mại trên địa bàn đã giảm gần bằng với giá nhà thu nhập thấp của Hà Nội (13 – 15 triệu đồng/m2) nhưng vẫn bị đóng băng. Do đó, khẩn trương có giải pháp hiệu quả để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chống chọi với khó khăn là điều cần thiết.

Không chỉ có thị trường TP.HCM tồn đọng, tại Hà Nội, theo Công ty BĐS CBRE, ngoài nguồn cung từ trước dự kiến khoảng hơn 20.000 căn, riêng quý II/2011, trên địa bàn TP Hà Nội được bổ sung thêm 7.500 căn và dự kiến quý III sẽ tiếp tục có thêm 5.000 căn chung cư nữa tham gia vào thị trường. Nguồn cung tăng, trong khi sức cầu sụt giảm khiến các doanh nghiệp BĐS Hà Nội cũng đang như “ngồi trên đống lửa”.

Giải pháp không cần tiền

Nhận định về tình hình khó khăn với thị trường BĐS, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính – đầu tư cho rằng, do chỉ số lạm phát (CPI) năm 2011 vẫn ở mức cao nên năm 2012, muốn đưa CPI về 12% thì chính sách tín dụng vẫn tiếp tục phải thắt chặt. Điều này đồng nghĩa, tín dụng cho kênh BĐS sẽ vẫn bị thắt chặt, sức cầu vì vậy mà chưa thể có.

Theo các chuyên gia BĐS, đặc thù của doanh nghiệp BĐS là phải vay vốn rất lớn. Ví như Công ty CP Xây dựng Sông Đà Thăng Long vốn điều lệ chỉ 175 tỉ đồng, nhưng phải vay tới 3.800 tỉ đồng để triển khai dự án. Hoặc Công ty CP Tasco, vốn điều lệ chỉ 177 tỉ đồng nhưng vay tới 2.084 tỉ đồng… Trong bối cảnh lãi suất vay vốn đứng ở mức cao và duy trì lâu, sức cầu không có… nếu để các doanh nghiệp tiếp tục phải ôm hàng trăm nghìn căn hộ, trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng không bán được, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng thì chỉ khoảng 2 năm nữa, hàng loạt doanh nghiệp BĐS TP HCM sẽ trắng tay.

Trước tình hình trên, giải pháp mà Công ty TNHH Đất Lành đề xuất là Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp chia đôi hay chia ba diện tích các căn hộ chỉ còn từ 30 - 50 m2/căn để phù hợp với điều kiện thanh toán của người có nhu cầu. Cụ thể, hiện nay, phổ biến các căn hộ chung cư trên địa bàn TP.HCM khoảng 80 m2/căn. Nếu chia đôi hay chia ba, với mức giá từ 13 - 15 triệu đồng/m2, các căn hộ sẽ có giá từ 400 - 500 triệu đồng/căn, rất phù hợp với túi tiền của người có nhu cầu.

Đồng thuận với đề xuất của các doanh nghiệp BĐS phía Nam, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Bộ Xây dựng nên cân nhắc đề xuất của các doanh nghiệp BĐS phía Nam vì đây là giải pháp hợp lý trong hoàn cảnh này. Nhà nước không cần bơm tiền hỗ trợ, trong khi có thể giải quyết được vấn đề cung - cầu của thị trường BĐS. “Sở dĩ BĐS hiện nay không bán được là bởi giá nhà, đất vượt quá khả năng chi trả của người có nhu cầu. Khả năng chi trả ở đây có ý: Một là thu nhập không đủ và hai là diện tích nhà quá to làm giá trị căn nhà lớn nên người có nhu cầu không đủ tiền để mua. Do đó, việc chia nhỏ các căn hộ để vừa túi tiền người có nhu cầu là hợp lý...”, TS Liêm nói.

Theo các doanh nghiệp BĐS TP.HCM, trong việc phát triển thị trường nhà ở, không nên cứng nhắc ấn định tỉ lệ, diện tích căn hộ để rồi tồn đọng quá nhiều căn hộ lớn như hiện nay do người dân không mua nổi, doanh nghiệp không bán được. Việc quyết định đầu tư loại căn hộ nào nên căn cứ vào thị trường, khả năng của doanh nghiệp và khả năng thanh toán của người có nhu cầu.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN