Yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị. Trong bối cảnh đó, ngày 25/10/2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là Đề án 1961).
Đề án có mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước.
Tiếp đó, ngày 8/1/2016, bằng văn bản số 143/VPCP-KTN, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 và mở rộng đối tượng tham gia học tập theo Đề án. Bộ Xây dựng đã giao AMC chủ trì thực hiện Đề án 1961.
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Đề án đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 1961 từ năm 2016-2020 trong đó nêu rõ các mục tiêu chính sau đây: Đến năm 2020 có 100% cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp bao gồm cả các đối tượng mở rộng được đào tạo bồi dưỡng theo các chương trình của Đề án 1961; Hoàn thành việc rà soát chỉnh sửa 08 bộ tài liệu đã được Bộ Xây dựng ban hành theo hướng tinh gọn, thiết thực, chuyên sâu đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên liên tục; Xây dựng và hoàn thiện thể chế để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị trở thành hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp...
Đến nay, AMC đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức được hơn 150 khóa đào tạo bồi dưỡng; bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho khoảng 10.000 lượt cán bộ công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp trên cả nước. Trong đó, một số lớp đã được thí điểm áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực.