Nhắc đến câu chuyện nhiều năm còn chưa được giải quyết, ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa (Diễn Châu, Nghệ An) bức xúc bày tỏ, doanh nghiệp sản xuất ngay trên mảnh đất của mình; do mình bỏ tiền mua; đóng nộp thuế đất cho Nhà nước với đầy đủ chứng từ, hóa đơn… nhưng “bìa đỏ” là thứ mà đến giờ doanh nghiệp vẫn chưa được nhận. Vậy doanh nghiệp làm sao yên tâm đầu tư sản xuất hay cạnh tranh với đối thủ trên thương trường”, ông Hòa than phiền.
Diện tích đất để không của dự án Trung tâm thương mại đa chức năng Hải Phòng Plaza do Công ty cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza làm chủ đầu tư. Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN |
Không chỉ ở Nghệ An, Thanh Hóa cũng là địa phương chưa giải quyết dứt điểm nhiều vướng mắc về đất đai với người dân và doanh nghiệp. Qua hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2016 vừa được tổ chức, nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hóa đã phản ánh về tình trạng bất hợp lý trong việc thu hồi đất đai, cấp đất, thực hiện chính sách đền bù khi thu hồi đất cùng tài sản trên đất và việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới đất đai còn chậm.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, do đang tồn tại nhiều bất cập và chồng chéo giữa Luật Đầu tư với Luật Nhà ở hay với Luật Đất đai nên doanh nghiệp khó tránh khỏi vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động. Khi quyền lợi giữa cá nhân với tập thể; quyền lợi giữa doanh nghiệp với nhà nước không có sự phân định rõ ràng, hẳn nhiên sẽ xảy ra xung đột, thậm chí khiếu kiện. Thời gian giải quyết những vụ việc này cũng không thể nhanh gọn. Đôi khi kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ công tác của các cấp chính quyền…
Là người tổ chức nhiều cuộc khảo sát và tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ngay cả với những địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề này. Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh là một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp nơi đây, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với gần 30% doanh nghiệp gặp khó khăn phản ánh.
2/3 doanh nghiệp trong số đó đang có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất phù hợp, nhưng trong các khu công nghiệp thì diện tích đất lớn và giá lại cao, vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp. Một nửa doanh nghiệp trong số đó cho rằng, ở nơi gọi là thành phố đáng sống nhất Việt Nam này nên mức giá thuê mặt bằng đang ngày càng tăng cao. Hơn nữa, do sự hạn chế về tài chính nên doanh nghiệp chỉ dám ký các hợp đồng thuê ngắn hạn, điều đó dẫn tới mức độ ổn định về giá thuê và thời hạn sử dụng mặt bằng tại Đà Nẵng là rất thấp.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng phản ánh, quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp rất hạn hẹp, lại ưu tiên đối với các doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, sản xuất dược phẩm hay chế biến thủy, hải sản… thường yêu cầu diện tích thuê đất lớn và sẵn sàng trả giá thuê cao. Vì thế, đa phần các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa rất khó “len chân” được vào thuê đất ở những khu vực này. Trong khi đó, việc thuê mặt bằng bên ngoài khu công nghiệp cũng không dễ dàng, chi phí thuê cũng cao không kém, mà khó đạt được cam kết thuê lâu dài... dẫn tới tâm lý bất an của doanh nghiệp.
Thiếu cơ sở hạ tầng và chi phí thuê mặt bằng cao chính là yếu tố khiến doanh nghiệp cũng khó giảm giá thành sản phẩm và quan trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường, ông Bình nhấn mạnh.
Xét từ những khó khăn chung, theo ý kiến của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, chính quyền các địa phương cần xem xét tối đa khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là với nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh. Cần những chính sách hỗ trợ đặc biệt như: giá thuê đất và thời hạn thuê đất sao cho hợp lý và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp cũng nên tạo điều kiện hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, về nhà xưởng, tư liệu sản xuất… có như vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thực sự thấy mình không đứng bên lề của guồng quay phát triển.