Đồng Nai huy động vốn xây nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở Đồng Nai đang rất cao. Dự tính đến năm 2015, nhu cầu nhà ở sẽ tăng lên trên 63 triệu m2 sàn và đến năm 2020 là trên 80 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn chậm được triển khai, trong khi một số dự án hoàn thành lại chưa được lấp đầy.

 

Căn hộ tái định cư đường Nguyễn Ái Quốc đã được chuyển sang nhà ở xã hội.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 91 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 5 dự án do nhà nước đầu tư hoặc mua lại, còn lại 86 dự án do các thành phần kinh tế khác đầu tư. Trong tổng số các dự án do nhà nước đầu tư, có 1 dự án đã hoàn thành. Đối với các dự án do các thành phần kinh tế đầu tư, có 22 dự án đã hoàn thành, 46 dự án chưa hoàn thành, trong đó, một số dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn. Cụ thể, các dự án phải ngừng thi công như: dự án Công ty Sơn An, phường Tam Hòa; dự án Công ty cổ phần đầu tư Phát Đạt tại phường Long Bình Tân; dự án của Công ty TNHH Minh Luận tại phường Bửu Hoà, Tp. Biên Hòa; dự án tại phường Bửu Long của Công ty cổ phần Vinaconex Tân Mai...


Ông Lâm cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, bố trí được trên 20.000 chỗ ở. Tuy nhiên, một số chung cư chưa lấp đầy. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện còn khoảng 50 dự án nhà ở cho công nhân đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án.


Lý giải về việc các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn chậm được triển khai, Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng, nguyên nhân chính là thị trường bất động sản ảm đạm do tác động của suy thoái kinh tế, nhà đầu tư thiếu vốn. Bên cạnh đó, nhiều khu vực quy hoạch, giới thiệu địa điểm để xây dựng dự án nhà ở nhưng không có nhà đầu tư. Các doanh nghiệp ngại đầu tư vào dự án nhà ở cho công nhân là do khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, ngại các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng... Trong khi đó, dù đã có gói vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí như: vốn đối ứng không đủ, doanh nghiệp đang có nợ xấu, hoặc năng lực thấp.


Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến hết tháng 3/2014, dư nợ cho vay thuộc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tại Đồng Nai chỉ đạt hơn 25 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa có dự án xây dựng nhà ở xã hội nào được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là do doanh nghiệp còn nợ xấu, không đủ năng lực tài chính, không chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Với đối tượng khách hàng cá nhân, đa phần là công nhân viên chức, một số người không có nhu cầu bức thiết về nhà ở (mua để đó), không có công nhân nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp.


Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai cho rằng, dù đã ưu đãi rất lớn về lãi suất, thời hạn trả nợ nhưng nhà cho người thu nhập thấp giá gần 15 triệu đồng/m2 vẫn là quá cao. "Vợ chồng làm công nhân, mỗi tháng chỉ tích góp được khoảng 2 triệu đồng, người làm chính sách, doanh nghiệp xây dựng phải tính toán làm sao với số tiền đó trong 15 năm hay 20 năm họ có thể mua nhà được”, ông Tuấn chia sẻ.


Thời gian qua, có một số doanh nghiệp xây dựng nhỏ có ý định đầu tư, xây dựng nhà bán cho công nhân với giá khoảng 300 triệu đồng/căn. Doanh nghiệp đã liên hệ với ngân hàng vay vốn và phía ngân hàng cũng hoàn toàn ủng hộ vì dự án có tính khả thi cao. Tuy nhiên, việc xây dựng của những doanh nghiệp trên chưa có trong quy hoạch, chưa được phê duyệt, trái quy định nên ngân hàng không thể cấp vốn.


Ông Tuấn đề xuất, cần tiếp tục thay đổi cơ chế trên cơ sở giảm hết phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Với dự án xây nhà ở xã hội lớn, Nhà nước phải tiếp tục miễn, giảm thuế nhưng các chủ đầu tư cũng nên tính toán xây nhà nhỏ để giảm giá bán đáp ứng được nhu cầu của người dân. Với tư nhân, họ có đất hợp pháp, muốn xây nhà giá thấp bán cho người lao động, cũng nên để cho họ làm, cho vay ưu đãi, bỏ những thủ tục rườm rà để khuyến khích họ.


Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tới đây tỉnh sẽ họp với các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp để cùng ngồi lại tháo gỡ vướng mắc nhằm giúp các doanh nghiệp được vay vốn triển khai xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Riêng với 4 dự án nhà ở xã hội đang triển khai sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ đưa vào danh sách được vay vốn ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án. Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường xã hội hóa, kêu gọi đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khác. Riêng dự án nhà ở cho sinh viên ở phường Tân Hiệp hiện không thể bố trí vốn trái phiếu Chính phủ nên cần công khai thông tin rộng rãi để thu hút vốn đầu tư của xã hội.

 


Lê Hiền

Kiểm tra giá bán nhà ở xã hội tại ba thành phố lớn
Kiểm tra giá bán nhà ở xã hội tại ba thành phố lớn

Bộ Xây dựng đang kiểm tra việc xác định giá bán nhà ở xã hội tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bộ sẽ xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đưa ra giá bán cao hơn quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN