Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng thông tin tại Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP (về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững) và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra chiều 3/8.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ động rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã lần lượt làm việc trực tiếp với nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận để rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến ngày 1/8/2023, Tổ công tác đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân; trong đó, có 6 văn bản của 5 địa phương, 94 văn bản của 64 doanh nghiệp, 2 văn bản của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh và 10 văn bản của người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản.
Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, các Bộ. Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cũng đã được Tổ công tác hướng dẫn để UBND cấp tỉnh thực hiện.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 112 văn bản; trong đó có 102 văn bản gửi UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; có 10 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã ban hành 35 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các nội dung: quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án...cho các địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định,...
Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của Tổ công tác.
Bộ Xây dựng cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc, để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: 10 nội dung về nhà ở xã hội; 10 nội dung về cải tạo chung cư cũ; 4 nội dung về quy hoạch; 4 nội dung liên quan đến đầu tư, hộ khẩu và 2 nội dung về đất đai.
Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Tổ công tác đã có 37 văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác. Hiện Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu); trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án...
Với 12 văn bản của 12 doanh nghiệp và người dân kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tổ công tác đã xử lý 12 kiến nghị tại 11 văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác. Hiện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án - tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu. Hiện thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Tương tự, tại thành phố Hải Phòng, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 15 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 65 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: lập, phê duyệt quy hoạch; giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án; nhận chuyển nhượng, thu hồi đất; chuyển nhượng dự án bất động sản; dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, cơ chế ưu đãi nhà ở xã hội...
Ngoài ra, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 16 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 75 dự án nhà ở, khu đô thị tại thành phố Đà Nẵng.
Nội dung chủ yếu là: thực hiện kết luận thanh tra, bản án của các dự án bất động sản; vấn đề sử dụng đất ở - đất khác để phát triển nhà ở thương mại; cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú; giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án; thủ tục chấp thuận đầu tư dự án bất động sản; phân lô, bán nền trong dự án bất động sản trong đô thị…
Thành phố Cần Thơ cũng được giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng trên 10 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 79 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất; chính sách phát triển nhà ở xã hội; thẩm định dự án bất động sản; thẩm định năng lực chủ đầu tư khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bất động sản…
Tại tỉnh Đồng Nai, vướng mắc tập trung ở 7 dự án bất động sản lớn; trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh,... xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực thực hiện các công việc liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa và việc bố trí nhà ở xã hội tại các dự án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản số 3967/VPCP-CN ngày 31/5/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/7/2023, Tổ công tác đã tổ chức cuộc làm việc tại Bộ Xây dựng đối với UBND tỉnh Bình Thuận và chủ đầu tư dự án Tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương của Tập đoàn NovaLand để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp. Hiện Tổ công tác đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện Thông báo kết luận buổi làm việc...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, qua tổng hợp, nghiên cứu, xem xét các văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân gửi đến cho thấy, hầu hết thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng,...
Hiện tại, các địa phương đều đã đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đến nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án bất động sản nhất cả nước đã có những kết quả tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài; pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Mặt khác, một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết trậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.