Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, các chuyên gia luật.
Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu tập trung vào các vấn đề cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và được xã hội rất quan tâm.
Hầu hết các ý kiến cho biết rất tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này do đã được soạn thảo, chỉnh sửa rất công phu, chi tiết, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và tạo động lực, nguồn lực để phát triển đất nước. Các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý từ đại diện của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các chuyên gia, các tôn giáo và nhân dân trên địa bàn một cách trách nhiệm, nghiêm túc, đúng kế hoạch theo Nghị quyết số 170 của Chính phủ ngày 31/12/2022.
Nhiều đại biểu đã phân tích, góp ý, bổ sung nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: vấn đề xây dựng và ban hành khung giá đất hàng năm của các địa phương sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức nên chăng cần ban hành 2 - 5 năm/lần sẽ tiện hơn. Đất đai nếu có nhiều biến động về giá qua từng năm chỉ cần nhân hệ số K để điều chỉnh.
Các đại biểu rất quan tâm và mong muốn dự thảo Luật cần bổ sung làm rõ thêm các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh bồi thường về đất, cần bồi thường các thiệt hại trên đất như: cây trồng, vật nuôi (về thủy sản và các loại khác như: ong, tầm, trùn quế…). Đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện công khai, minh bạch… Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các vấn đề về tích tụ ruộng đất, vấn đề về định mức đất ở, đất trồng cây, đất ao, hồ, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số, đất cho các cơ sở tôn giáo… bởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất bình quân/người cao hơn các khu vực khác…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các đại biểu đã góp ý các vấn đề nhân dân trong vùng quan tâm. Đó là những nút thắt, những hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đòi hỏi một cơ hội mới, sức bật mới, nguồn lực mới cho các địa phương. Các góp ý rất chi tiết, cụ thể và thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai lấy kiến của nhân dân đối với một bộ luật là hết sức quan trọng và được nhân dân rất quan tâm cho thấy các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực đã làm hết sức nghiêm túc, bài bản, cách thức tổ chức lấy ý kiến đi vào các nội dung, đối tượng với nhiều hình thức phong phú.
Việc tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật lần này đã huy động được người dân tham gia đóng góp phát huy trí tuệ của nhân dân trong việc xây dựng dự thảo Luật quan trọng lần này. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, qua đó cũng nhằm tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề quản lý đất đai thông qua Nghị quyết số 18 Trung ương vừa ban hành. Vấn đề còn lại là Quốc hội, Chính phủ cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, khoa học để lắng nghe, tổng hợp được các ý kiến, nâng cao chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới. Qua ý kiến góp ý của các đại biểu cho thấy tính khó khăn phức tạp khi thể chế hóa các nghị quyết.
Để làm rõ ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các địa phương trong vùng cần thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đai phải cùng với quy hoạch về giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác trong mối quan hệ gắn kết nhau. Quy hoạch giao thông sẽ dẫn dắt quy hoạch về đất đai theo hướng giao thông đến đâu thì mở rộng không gian phát triển đến đấy, bao gồm đô thị, thương mại dịch vụ. Giao thông phát triển đến đâu, quyền sử dụng đất đai và vấn đề sử dụng nguồn lực đất đai sẽ nâng cao giá trị đến đấy. Sử dụng nguồn lực đất đai quay lại đầu tư cho hạ tầng và dùng hạ tầng để phát triển giá trị của đất đai. Trong quy hoạch về quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, các địa phương cần nắm vững và làm thế nào để quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng phải đồng hành và đi cùng với quy hoạch sử dụng đất đai. Như vậy, quy hoạch mới có chất lượng…
Đối với vấn đề tập trung và tích tụ ruộng đất, Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề rất lớn. Ban soạn thảo dự kiến sẽ đưa ra khung về tiêu chí nhưng cần sắp xếp rất kỹ trên cơ sở đánh giá kỹ về cơ cấu lực lượng lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và khả năng của người lao động. Vấn đề này, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục phân tích thêm.
Vấn đề liên quan đến định mức đất ở, đất vườn, ao, hồ…, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nét đặc thù, do đó nên phân tích làm thế nào cho phù hợp và tìm ra chính sách hài hòa giữa miền Tây, miền Đông Nam Bộ và các khu vực khác của cả nước…
Về vấn đề thu hồi đất đai, Phó Thủ tướng cho biết, Nhà nước là cơ quan duy nhất đứng ra thu hồi, định giá vừa thu hồi, vừa thỏa thuận với nhân dân. Đối với vấn đề công khai, minh bạch, cần có những người am hiểu để tham gia, phải tách bạch giữa quản lý và cơ quan tư vấn, công khai mọi hoạt động về quy hoạch về số liệu, quy hoạch, sự tham gia ở từng thời điểm là phải có các đại diện tham gia để có tiếng nói. Đây là vấn đề khó đang cố gắng thực hiện trong vấn đề về dữ liệu đất đai, trong vấn đề về xác định quyền của người sử dụng đất, xác định quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước trong xác định nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng đất…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự án nào cũng nhằm vào mục đích vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng bởi đều phục vụ cho mục tiêu phát triển. Do đó, quan trọng nhất là cách tổ chức thực hiện. Để lợi ích hài hòa, người dân được thụ hưởng, phải đưa ra những cơ chế, cách làm và lý giải sự hài hòa phải công khai, sẽ thuyết phục được người dân…