Ngày 18/1, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Thị trường bất động sản phía Nam - Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan, ngân hàng thương mại và hơn 100 doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết: Một trong những giải pháp khi có khủng hoảng là giảm nguồn cung, rà soát giảm nguồn cung bằng cách tạm dừng, tạm hoãn một số dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc chưa có tiền để triển khai dự án, hạ tầng sau khi giải phóng mặt bằng. Hiện nay bất động sản thiếu dòng tiền rất lớn cho cả phía bên bán lẫn bên mua, đặc biệt tín dụng này phải có lãi suất mà người dân chấp nhận được.
Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước dành từ 20-40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước. Trong quý 1, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các tiêu chí cho vay để các doanh nghiệp bất động sản hoàn thiện nốt sản phẩm của mình, tăng tính thanh khoản của hàng hóa. Hiện nay, Ngân hàng BIDV đã ký với Bộ Xây dựng cam kết khung về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng trong 3 năm để cho vay các dự án nhà ở xã hội quy mô nhỏ, trong đó giành 65% dành cho người dân vay mua nhà. Theo ông Nguyễn Trần Nam , nhà nước cũng có chủ trương thay vì nhà nước đầu tư vào nhà ở xã hội, tái định cư thì sẽ dùng nguồn tiền này để mua quỹ nhà ở thương mại sẵn có. Từ đó, người mua sẽ được hưởng lợi từ chất lượng tốt của công trình, doanh nghiệp bán được sản phẩm.
Theo thống kê, hiện cả nước còn tồn 16.469 căn hộ chung cư, trong đó TP Hồ Chí Minh có 10.108 căn. Tuy nhiên, theo báo cáo từ quỹ Dragon Capital, con số hàng tồn kho căn hộ để bán lên đến 70.000 căn ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong đó chưa tính đến tồn biệt thự, liền kề.
Hoàng Anh Tuấn