Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm nay sẽ không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng cả nền kinh tế; trong đó, có 65% dư nợ tín dụng bất động sản là vay mua nhà, sửa nhà.
Theo TS. Cấn Văn Lực, hai năm vừa qua, tận dụng lãi suất rẻ, người dân tăng mua nhà, sửa nhà, đầu tư nhà đất, với tín dụng cho vay mua, sửa nhà tăng 15 - 16%, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 7-8%. Năm nay, dự kiến tăng trưởng tín dụng bất động sản từ 9 - 10%.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết lại tín dụng bất động sản là việc cần làm để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản giảm về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, tín dụng đổ vào bất động sản giảm từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản duy trì khoảng 12%.
Tại một văn bản mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Mộ số ngân hàng thương mại cũng đã có văn bản tạm dừng giải ngân các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở, thời gian áp dụng sẽ đến hết tháng 6/2022.
Nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng yêu cầu tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Đối với các khoản vay tạm dừng giải ngân này, ngân hàng yêu cầu các đơn vị kinh doanh trao đổi, đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.