Quỹ tiết kiệm nhà ở - tại sao không?


Thị trường vật liệu xây dựng bắt đầu nhích tăng, khiến nhiều người lo ngại giá thành những m2 nhà ở cho người thu nhập thấp (NTNT) sẽ không còn đứng ở mức 8 triệu đồng/m2 như hiện nay. Điều này đồng nghĩa, khoảng cách để NTNT với tới căn hộ dành cho NTNT lại bị doãng xa. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, giải pháp khả thi nhất để NTNT có nhà trong hoàn cảnh này là thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở.


Từ cơ sở hình thành...

Một góc khu chung cư nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê và mua tại lô 19A khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã hoàn thành, chuẩn bị được đưa vào khai thác. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN


Tại sao phải thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở (QTKNO)? Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trước hết do ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, không thể thu xếp được nguồn vốn để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội (NOXH) triển khai. Minh chứng là từ đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã 3 lần làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đốc thúc việc thu xếp vốn cho 33 dự án nhà ở cho NTNT mà Bộ đề nghị. Nhưng cho đến nay, VDB mới chỉ hứa sẽ thu xếp cho 1 dự án với mức vốn khoảng 300 tỉ đồng. Từ khó khăn này đặt ra vấn đề phải có giải pháp khác để huy động vốn phát triển NOXH.


Thứ hai là với mức giá hiện nay, nhà xây bằng vốn thương mại vẫn có giá thành quá cao so với thu nhập và khả năng chi trả của NTNT. Các chủ đầu tư đang chào Bộ Xây dựng khoảng 7- 8 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ 50 m2, tính với giá 8 triệu đồng/m2 đã lên tới 400 triệu đồng. Với giá này, NTNT dù có được quyền mua cũng không dám mua vì NTNT là những người chỉ có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nếu vay vốn thương mại với lãi suất 16 -17%/năm như hiện nay, một năm sẽ phải trả khoảng 70 - 80 triệu đồng, nhiều hơn thu nhập cả năm của NTNT. Từ vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp để có nguồn vốn rẻ, lãi suất thấp cho cả chủ đầu tư (xây nhà) và NTNT vay để mua nhà.


Từ các cơ sở trên, Bộ Xây dựng đề xuất, đối tượng đóng QTKNO là tất cả những người đi làm, hưởng lương. Kể cả người có nhà rồi và chưa có nhà đều đóng quỹ, mức đóng góp bằng 1% lương/tháng. Riêng với các đối tượng không có nhu cầu mua nhà, đến khi về hưu được rút gốc, cộng với khoản lãi suất tương ứng với mức lạm phát các năm góp quỹ.

... đến ý nghĩa của quỹ

Theo tính toán của Phòng Phát triển nhà ở, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), với 9 triệu người đi làm, hưởng lương hiện nay, tính trung bình mức lương 3 triệu đồng/tháng, đóng 1% lương, tương đương khoảng 30.000 đồng/tháng/người. Một đời đi làm của một người hưởng lương khoảng 30 - 35 năm sẽ tạo ra nguồn quỹ rất lớn để phát triển NOXH.

"Tại Hàn Quốc, quỹ này có vốn lên đến 22 tỉ USD (khoảng hơn 440.000 tỉ đồng). Quỹ này dành cho doanh nghiệp vay xây NOXH và NTNT vay với lãi suất ưu đãi chỉ bằng 1/4 lãi ngân hàng để mua nhà...", Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cho biết, việc vận động thành lập quỹ đang gặp khó khăn bởi một số bộ, ngành chưa đồng thuận. 


Cho đến nay mới chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đưa vấn đề góp QTKNO vào nghị quyết, còn các bộ, ngành vẫn đang tranh luận. Nội dung tranh luận xoay quanh vấn đề đối tượng góp quỹ. Ý kiến một số bộ, ngành cho rằng chỉ nên quy định người có nhu cầu về nhà ở mới phải đóng quỹ, còn lại người đã có nhà thì không phải đóng. "Tôi cho suy nghĩ việc người có nhà rồi không phải đóng quỹ là chưa thể hiện trách nhiệm với xã hội. Quỹ thành lập trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ NTNT có nhà. Người có nhà rồi có thể coi là những người có thu nhập khá, mỗi người chỉ bớt 1,5 bát phở/tháng để người nghèo có nhà tại sao vẫn tiếc?", Thứ trưởng Nam nói.


Xuân Hương



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN