Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định năm 2018, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng và phát triển ổn định. Bởi theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, GDP của Việt Nam ở mức tích cực, CPI và các chỉ số khác ổn định. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo sẽ tăng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt 4,0%/năm.
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết năm 2017, GDP đạt 6,81%, tăng trường tín dụng ước đạt 19%; nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tỷ trọng giải ngân, nguồn kiều hối, ngoại hối được bổ sung lớn thông qua nhiều thương vụ mua bán và sát nhập, trong đó gần đây nhất là thương vụ Sabeco… đã có tác động tích cực và lan tỏa sang năm 2018 đến các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Với sự hỗ trợ của nền kinh tế ổn định, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. |
Với sự hỗ trợ tích cực của nền kinh tế, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Theo dự báo của HoREA, trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn và sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản.
Phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường. Phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng và dự báo tình hình tranh chấp ở các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp, cần được kiểm soát và xử lý hiệu quả, kịp thời.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu, việc mua bán và sát nhập (M&A) lĩnh vực BĐS cũng sẽ sôi động hơn năm 2017. Theo đó, sẽ có nhiều dự án, doanh nghiệp sẽ M&A trong năm 2018, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và sàng lọc thị trường BĐS tốt hơn. Cụ thể, trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã nhận 27 hồ sơ xin dự án được mua bán, chuyển nhượng, trong đó có 20 dự án đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho M&A.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS vẫn còn những mặt hạn chế, tiêu cực và tiềm ẩn trong năm 2017 cần tiếp tục giải quyết trong năm 2018. Một số nhân tố tạo ra bất ổn và rủi ro là tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu giữa phân khúc nhà giá rẻ với nhà ở phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong đó, phân khúc cao cấp có 10.987 căn, chiếm tỷ lệ 25,5% (tăng 3.747 căn, tỷ lệ tăng 22,9% so với năm 2016); phân khúc trung cấp có 19.509 căn, chiếm tỷ lệ 45,5% (tăng 1.081 căn, tỷ lệ tăng 16,4% so với năm 2016); phân khúc bình dân có 12.495 căn, chiếm tỷ lệ 29,1% (tăng 5.026 căn, tỷ lệ tăng 67,3% so với năm 2016).
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) tuy vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong năm 2017 nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
Ngoài ra, cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành tuy có hạ nhiệt nhưng hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.