Trong báo cáo gửi thành ủy TPHCM, Hiệp hội nhận định: Sau một thời gian dài khủng hoảng đóng băng, nhờ có sự điều chỉnh chính sách kịp thời của Nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã phục hồi và đang trong quá trình tăng trưởng trở lại.
Năm 2015 và quý I/2016, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng rất mạnh trong tất cả các phân khúc, trên địa bàn các quận, huyện. Quy mô thị trường tăng gần gấp đôi so với năm 2014 (năm 2015 đã bán được 26.500 căn trong tổng số 50.000 căn chào bán so với 16.955 căn đã bán được trong năm 2014).
Trong quý I/2016, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư có sự tăng trưởng khá mạnh. Về nhà ở xã hội: Các doanh nghiệp đã khởi công xây dựng 5 dự án mới; đã hoàn thành 4 dự án với quy mô 3.131 căn hộ. Về nhà ở tái định cư: Các doanh nghiệp đang tham gia 8 dự án. Riêng đối với chương trình 12.500 căn hộ tái định cư, các doanh nghiệp đã bàn giao được 2.076 căn.
Phân khúc nhà ở thương mại loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) trong nhiều năm qua vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng và hiện nay cung không đủ cầu.
Phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu đông và khu nam thành phố; Phân khúc văn phòng cho thuê, bất động sản thương mại cũng tăng trưởng mạnh.
Năm 2015, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 5,5 tỷ USD, Quý I/2016 đạt 1,15 tỷ USD, trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thị trường bất động sản thành phố đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại, như sau: Năm 2015, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp. Số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng (trong đó, có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được). Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý.