Tại cuộc họp, Bộ Xây dựng - cơ quan Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thông tin, trong 2 tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 4 dự án bất động sản. Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 4 văn bản.
Trong số đó, có 3 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; có 1 văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc về tháo gỡ khó khăn đối với một số địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng nhận xét, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Trong số đó, nổi lên là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu… đang dần được tháo gỡ. Từ đó, tạo được sự đồng tình, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung ban hành mới một số Luật, Nghị định, Thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Qua đó, tình hình thị trường bất động sản, việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án theo thẩm quyền. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Theo đó, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động - Bộ Xây dựng, cơ quan Thường trực Tổ công tác thông tin.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất tiết kiệm đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.
Tuy vậy, dưới chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nằm trong tổng thể thị trường tài chính, có mối quan hệ chặt chẽ với diễn biến kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước, đặc biệt liên quan đến tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản.
Cùng đó, thời gian qua Bộ Tài chính đã có các báo cáo Chính phủ để chỉ đạo tổng thể các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm: giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý giám sát, tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngắn, trung - dài hạn và giao các bộ, ngành phối hợp triển khai.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cũng tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản cũng như các dự án trên địa bàn, đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trên thực tế triển khai cũng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể như, nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ. Tuy vậy, các luật này lại chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay. Nhiều dự án còn vướng mắc chưa thể giải quyết triệt để ngay, vẫn cần thêm thời gian.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ rõ, một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều địa phương mới chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành, cấp huyện xem xét giải quyết mà chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để. Có những địa phương, Tổ công tác đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc nhưng vẫn chưa có kết quả giải quyết cụ thể báo cáo về.
Mặt khác, cũng còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật. Điền hình như việc tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định. Nhiều nơi chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Để từ đó có hướng tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.
Đáng chú ý, có nhưng địa phương chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Thậm chí, nhiều nơi chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn...
Đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5/2024. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và triển khai hiệu quả "Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng"; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản.