TP Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TP Hồ Chí Minh đã tập kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động như cho phép Thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại, bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội…

Chú thích ảnh
Ngày 28/3, Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội. 

Còn nhiều vướng mắc

Chia sẻ tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho biết, hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội; trong đó có vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành cũng chiếm nhiều thời gian. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần có những đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

"Nhiều khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên - những người trực tiếp xử lý hồ sở của doanh nghiệp. Vì vậy, các hồ sơ của doanh nghiệp nhà ở xã hội khi gửi lên các chuyên viên này thường kéo dài khá lâu, tính hàng tháng và hàng năm vẫn chưa được giải quyết", ông Lê Hữu Nghĩa cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại TP chưa được tháo gỡ.

Nguyên nhân đầu tiên là lĩnh vực này đang chịu tác động của 6 luật. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội đang được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm xong thủ tục tính toán thuế và tiền sử dụng đất mới được miễn, song song đó còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Điều này đã kéo dài thời gian làm thủ tục nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống.

Chú thích ảnh
Ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ khó khắn, vướng mắc khi xây dựng nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021 - 2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…

Tiếp tục rà soát vướng mắc để tháo gỡ

Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và người lao động khi mua nhà, ông Phạm Đăng Hồ cho biết, chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội được xem là công việc lớn của Thành phố. Vì vậy, sau khi rà soát các vướng mắc, Thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để có thể cung cấp rõ ràng các bước cho các cơ quan hành chính, giúp Thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ. "Để người lao động thu nhập thấp tiếp cận được các căn nhà ở xã hội, các cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để kéo giảm giá bán. Mặt khác, Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai dành cho người lao động thu nhập thấp", ông Phạm Đăng Hồ nói.

Chú thích ảnh
Người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội khá lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Đăng Hồ, mới đây trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi, tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu. Đồng thời, cho phép Thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại.

Hiện nay, cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội, dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Theo đó, Thành phố đang xin quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực, đồng thời cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội chứ như hiện nay phải là đất ở.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục thực hiện một số chính sách hiệu quả trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội để ổn định đời sống cho người lao động thu nhập thấp ở các thành phố lớn. Cụ thể, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai. Trong đó, cần lập quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, công vụ, tái định cư; bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội.  Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế để phát triển nhà ở, đơn giản hóa thủ tục hành chính đầu tư phát triển nhà ở.

Trong khi đó, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sắp tới để triển khai hiệu quả các dự án nhà ở xã hội hiệu quả, người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm. Ngoài ra, đối tượng được thuê nhà ở xã hội sẽ không bị ràng buộc nhiều điều kiện như hiện nay, chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được quy định là người chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10 m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

 

Bài, ảnh: Hoảng Tuyết/Báo Tin tức
Khuyến khích tín dụng tập trung cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Khuyến khích tín dụng tập trung cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN