Bệnh bạch hầu dễ thành dịch, nguy hiểm như thế nào?

Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận rải rác các ca bệnh bạch hầu và đã có bệnh nhân tử vong. Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu quay trở lại sau một thời gian vắng bóng, dễ lây lan thành dịch và nguy cơ tử vong cao.

Chú thích ảnh
Xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TTXVN.

Tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) đã ghi nhận hai trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có một ca tử vong. Bệnh nhân tử vong được đưa đi cấp cứu trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… và chuyển biến nặng dạng "bạch hầu ác tính biến chứng sang tim"; trường hợp còn lại là hàng xóm của bệnh nhân này, có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân. Đây là ổ dịch bệnh bạch hầu đầu tiên xuất hiện  tại địa bàn này, sau thời gian vắng bóng từ năm 2004 đến nay.

Nhiều ổ dịch bạch hầu khác cũng đã được ghi nhận xuất hiện rải rác tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Đáng lo ngại là bệnh dễ lây lan, có nguy cơ tử vong cao. 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như: Kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Biểu hiện của bệnh thường là: Viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau; người bệnh da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám thấy có giả mạc ở các khu vực có triệu chứng bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh từ 2- 5 ngày, có thể lâu hơn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thậm chí sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới; bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu ở Việt Nam đã giảm thấp.

Để phòng bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh tốt như: Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi từng có ổ dịch bạch hầu cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì xét nghiệm bệnh nhân cũ và những người lân cận để tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

Đặc biệt, cách phòng bệnh bạch hầu hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Các địa phương cần tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện thì khoảng 5 năm tiến hành đánh giá tiêm chủng một lần hoặc thực hiện đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu trong quần thể trẻ em.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đắk Nông ghi nhận 8 ca mắc bệnh bạch hầu tại 2 huyện
Đắk Nông ghi nhận 8 ca mắc bệnh bạch hầu tại 2 huyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tính đến hết ngày 21/6, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 8 ca mắc bệnh bạch hầu tại 2 huyện Krông Nô và Đắk G’Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN