Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đến thời điểm này, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Kiên Giang là rất tốt với đầy đủ trang thiết bị y tế, đáp ứng theo đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở thu dung, điều trị cũng đều hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu chuyên môn.
Hiện tỉnh Kiên Giang có hai Khu hồi sức cấp cứu: Cơ sở 1 là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) quy mô 150 giường, dự kiến mở ra 180 giường; cơ sở 2 tại thành phố Hà Tiên quy mô 50 giường. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng, điều đáng mừng là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cơ sở cũ đáp ứng được nhu cầu chuyên môn để điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là đáp ứng mô hình "3 trong 1". Chúng ta có thể sắp xếp bệnh nhân cả 3 tầng trong cùng một cơ sở, điều này là vô cùng quan trọng cho bệnh nhân COVID-19. Thực tế, diễn tiến bệnh COVID-19 luôn rất nhanh, cho nên cùng một cơ sở điều trị sẽ rất thuận lợi để cấp cứu kịp thời bệnh nhân chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân là rất cao, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.
Theo Sở Y tế Kiên Giang, tỉnh đã rà soát nguồn nhân lực, sẵn sàng huy động 100% nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị nguồn nhân lực để phụ trách chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 1 và tầng 2. Đồng thời, rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, oxy y tế và thuốc điều trị; tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn cho tất cả các cơ sở thu dung điều trị COVID-19; tập huấn hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ, điều dưỡng đang công tác ở Khoa Hồi sức cấp cứu các đơn vị để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống cần phải tăng cường lực lượng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức lưu ý, tỉnh Kiên Giang cần chuẩn bị phương án cho tình huống xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, đầu tiên phải xây dựng hệ thống oxy ở các cơ sở điều trị vì oxy là vô cùng quan trọng và là mấu chốt để cứu được bệnh nhân COVID-19. Thứ hai, chuẩn bị trước các cơ sở có thể đặt các Trạm Y tế lưu động, giúp hạn chế thời gian vận chuyển và sẵn sàng cứu chữa kịp thời bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng tại địa phương. Trạm Y tế lưu động phải chuẩn bị sẵn các bình oxy, dự trù trước lượng oxy để đáp ứng nhu cầu oxy luôn cần rất nhiều cho bệnh nhân chuyển nặng.
Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực theo Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng" của Bộ Y tế; thường xuyên kết nối, hội chẩn từ xa với Bệnh viện Chợ Rẫy, các Trung tâm Hồi sức tích cực phụ trách vùng để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Tỉnh kiến nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để truyền đạt các kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19; kinh nghiệm xử trí, điều trị các ca bệnh nặng.