Trước đó, ngày 17/6, khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận nữ bệnh nhân được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam với chẩn đoán teo hẹp hoàn toàn niệu quản bên phải đã được dẫn lưu thận cùng bên.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được khám với các vết mổ vùng bụng phải, làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu, chụp bể thận niệu quản xuôi dòng và nội soi bàng quang kiểm tra. Quá trình hội chẩn, các bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp bị mất hoàn toàn niệu quản sau nhiều lần phẫu thuật, thận phía trên đó còn rất tốt tương đương với thận đối diện.
Sau khi xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ khoa Ngoại Thận Tiết niệu quyết định ghép thận tự thân để giữ lại thận phải cho bệnh nhân. Đây là một trường hợp khó vì bệnh nhân đã được phẫu thuật nhiều lần gây xơ dính, bên cạnh đó kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy thận phải của bệnh nhân có đến 2 động mạch và 2 tĩnh mạch.
Ca ghép thận diễn ra ngày 30/6 và kéo dài 6 tiếng, được thực hiện bởi các bác sĩ các khoa Ngoại Thận Tiết niệu, Ngoại Lồng ngực - Tim mạch và Gây mê Hồi sức A cùng thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Ba kíp mổ bao gồm: Kíp lấy thận, kíp rửa thận và kíp ghép thận. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy thận phải và ghép vào hố chậu trái.
Các bác sĩ đã thực hiện 4 miệng nối mạch máu theo kiểu tận bên nối 2 động mạch thận vào động mạch chậu ngoài, 2 tĩnh mạch thận vào tĩnh mạch chậu ngoài kèm theo tạo hình lại niệu quản bằng phương pháp Boari (dùng một phần bàng quang tạo hình niệu quản).
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, với kinh nghiệm phẫu thuật gần một ngàn ca ghép thận ở người cho sống, đội ngũ bác sĩ đơn vị tiếp tục tiến hành ghép tự thân trong trường hợp điều trị này. Đây là trường hợp ghép thận tự thân thành công đầu tiên tại miền Trung nói chung cũng như tại Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng.
Được biết, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bệnh nhân đã được phẫu thuật rất nhiều lần tại các bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán ban đầu chỉ là sỏi niệu quản bên phải. Các phẫu thuật lần lượt đã được thực hiện trên thận niệu quản phải của bệnh nhân, gồm: Nội soi niệu quản phải tán sỏi, nội soi xuyên phúc mạc cắm lại niệu quản phải vào bàng quang có đặt thông JJ (một ống rỗng bằng nhựa dẻo được thiết kế đặc biệt để đặt vào niệu quản), nội soi bàng quang rút thông JJ, dẫn lưu ổ tụ nước tiểu hố thận phải, mổ hở dẫn lưu thận phải. Hàng tháng bệnh nhân tái khám thay thông dẫn lưu thận cho đến tháng 6/2020.