Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng ngành Y tế đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn để chống dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta.
Cả hệ thống khám chữa bệnh đã nỗ lực không ngừng, nhiều thầy thuốc đã xa gia đình, người thân để vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 hàng tháng trời.
Đã có khoảng 20.000 lượt thầy thuốc trên cả nước vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và nhiều tỉnh, thành khác của phía Nam để phục vụ chống dịch.
“Đến hôm nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cho thấy con đường đi đúng đắn trong phòng, chống dịch của nước ta”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh trụ cột phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm… trong thời gian qua, ngành Y tế đã luôn chú trọng cập nhật những kiến thức, thông tin về điều trị, kế thừa học hỏi các kinh nghiệm, nghiên cứu, thành công trong điều trị của thế giới một cách khoa học để ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh nhất.
Thông tin tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngày 6/10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19".
"Đây là bản Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được cập nhật lần thứ 7 của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bản hướng dẫn này cập nhật, bổ sung một số điểm tiêu biểu so với hướng dẫn đã được ban hành tháng 7/2021", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê thông tin.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, chúng ta xác định phải sống chung với dịch an toàn và linh hoạt với COVID-19. Vì thế, "các bệnh viện phải luôn trong tâm thế tách đôi để sẵn sàng đối phó, thích ứng với dịch, đặc biệt là biến chủng Delta. Một bên tập trung khám chữa bệnh thông thường, một bên là chống dịch COVID-19. Các bệnh viện phải luôn chủ động, chuẩn bị sẵn về oxy y tế để tránh đứt gãy công tác khám chữa bệnh".
Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 7 có một số điểm mới là đã đưa nguyên tắc sử dụng các thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, ức chế IL-6.
Theo đó, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới thì việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.
Ngoài những thuốc có trong hướng dẫn và trong quyết định 2626/QĐ-BYT, hướng dẫn cũng ghi rõ, đối với người có bệnh nền, bệnh mạn tính, tiếp tục điều trị phối hợp với điều trị COVID-19 bằng các thuốc trong danh mục sẵn có của cơ sở thu dung điều trị. Sử dụng thuốc sẵn có trong danh mục của cơ sở để điều trị triệu chứng, xử trí cấp cứu người bệnh (nếu có).
Về công tác quản lý điều trị, hướng dẫn phiên bản 7 có các điểm cập nhật mới như, đối với COVID-19 tổn thương gây ra không chỉ là hô hấp mà trên đa cơ quan do đó hướng dẫn điều trị lần này đã lồng ghép các chuyên khoa, điều trị toàn diện từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, Corticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng.
Điểm mới tiếp theo là trên cơ sở của hướng dẫn, theo thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Y tế, cơ sở thu dung điều trị trích tóm tắt các nội dung phù hợp theo phân tầng để áp dụng cho cơ sở mình một cách phù hợp và linh hoạt.