Hội thảo là dịp để các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh chia sẻ kinh nghiệm cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh sau 2 năm chống dịch COVID-19.
Nhiều thách thức sau dịch COVID-19
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thách thức của hệ thống khám, chữa bệnh sau dịch COVID-19 là nhân lực y tế biến động, thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khó khăn…, trong khi nhu cầu người dân khám chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao.
Bên cạnh đó, với mô hình bệnh tật kép, ngành Y tế vừa kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Vì vậy, các bệnh viện cần quan tâm và nâng cao chất lượng bệnh viện nhiều hơn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, những tai biến y khoa, sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó là cả vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý.
“Chúng tôi triển khai rất kỹ Thông tư về an toàn người bệnh và có khảo sát, đánh giá điều tra một số nguyên nhân gây tai biến y khoa. Tai biến y khoa là một trong những sai sót mà khó có thể tránh khỏi trong quá trình hành nghề. Khi chúng tôi xây dựng Thông tư về an toàn người bệnh, đã căn cứ vào nhiều nguyên nhân. Từ nhóm nguyên nhân này xây dựng các giải pháp, phòng ngừa, phát hiện sớm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khuê nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, qua Hội nghị này để nhắc lại đối với các cán bộ làm công tác y tế trong toàn hệ thống thực hiện đúng quy chế chuyên môn, hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Cải tiến chất lượng phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hàng ngày, phải “thấm” từ người giám đốc đến nhân viên bảo vệ của bệnh viện.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện.
“Lãnh đạo bệnh viện nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sống còn với sự phát triển bệnh viện”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu rõ.
Thiếu thuốc, vật tư y tế làm giảm sự hài lòng của người bệnh
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế, bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện giúp bệnh viện cải thiện hàng năm, khắc phục được tồn tại để đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh.
Theo ông Nguyễn Khoa Hùng, ngay từ năm 2021, bệnh viện đã lập kế hoạch, dự toán cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2022. Tuy nhiên, quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian, sau gần 1 năm mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu, phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung.
"Với bệnh nhân nặng, thiếu thuốc, chúng tôi vẫn phải gửi bệnh nhân đi tuyến cao hơn như Bệnh viện Trung ương Huế, vì sức khỏe của người bệnh là cao nhất. Mặc dù đã cố gắng tối đa đáp ứng nhu cầu người bệnh, giảm thiểu bất cập, làm cho người bệnh không hài lòng, nhưng việc thiếu thuốc thiếu sinh phẩm thiếu vật tư y tế cần thiết và làm cho bệnh nhân phải chờ đợi, chưa được điều trị tối đa, hoặc phải chuyển bệnh nhân đi bệnh viện khác, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh. Trong thời gian tới, nếu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế được triển khai đồng bộ, chất lượng bệnh viện sẽ được nâng cao" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Hùng bày tỏ.