Đây là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện và xin ý kiến sửa đổi về Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện khu vực phía Nam, do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/11.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, 100% bệnh viện tuyến Trung ương thành lập Phòng, Tổ công tác xã hội. Tỷ lệ này ở bệnh viện tuyến tỉnh là 96,8%; bệnh viện tuyến quận/huyện là 89,9%. Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, hoạt động công tác xã hội trong các cơ sở y tế đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh về hệ thống văn bản pháp luật, nguồn nhân lực, đào tạo tập huấn, nghiên cứu khoa học và các hoạt động về công tác xã hội.
Về mô hình tổ chức, Phòng, Tổ công tác xã hội rất đa dạng ở các bệnh viện trên cả nước;phổ biến nhất là Tổ công tác xã hội trực thuộc các phòng, khoa (trực thuộc Phòng Điều dưỡng là 36,8%; trực thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp là 10%...). Hiện mới chỉ có 18% đơn vị có Phòng Công tác xã hội; 7,4% có Tổ Công tác xã hội độc lập.
Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản pháp luật về công tác xã hội trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đến nay, các quy định vẫn còn nhiều hạn chế như nhiệm vụ quá rộng, chung chung chưa cụ thể, nhiều nhiệm vụ còn chồng chéo, vượt khả năng và quyền hạn của nhân viên công tác xã hội. Nhiều lãnh đạo Sở Y tế, cơ sở y tế chưa thực sự quan tâm đến công tác xã hội, nhất là các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y học dự phòng, dân số…
Nói thêm về những khó khăn, trở ngại khiến công tác xã hội tại các sơ sở y tế chưa thực sự phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng: Hiện nay, về cơ cấu nhân lực trong lĩnh vực công tác xã hội chủ yếu là kiêm nhiệm (chiếm hơn 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ, nhân viên của Phòng, Tổ công tác xã hội được đào tạo chuyên ngành còn thấp. Hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức. Rất ít bệnh viện có nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách bệnh viện để thực hiện các nhiệm vụ công tác xã hội, hầu hết nguồn kinh phí chủ yếu từ các nhà tài trợ, hảo tâm. Vấn đề quan trọng là chế độ đãi ngộ đối với nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện chưa phù hợp.
Từ thực tiễn, Thạc sĩ Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, cần có quy định về chuẩn năng lực của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện; cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên công tác xã hội như nhân viên y tế khác; xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội là đánh giá, can thiệp tâm lý xã hội trên người bệnh và người nhà người bệnh để đưa vào hồ sơ bệnh án của người bệnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu kiến nghị, việc thành lập Phòng công tác xã hội trong bệnh viện là vô cùng cần thiết. Các cơ sở không thành lập được Phòng Công tác xã hội, có thể lập các Tổ công tác xã hội. Các tổ này không nhất thiết phải trực thuộc phòng, ban nào mà để các bệnh viện tự quyết định dựa theo đặc thù nhiệm vụ, quy mô hoạt động và sự sắp xếp của đơn vị.; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân viên y tế trong các hoạt động công tác xã hội của bệnh viện. Hiện nay, nhân viên y tế đang phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn khi tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Do đó, đội ngũ công tác xã hội cần hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; kết nối và điều phối nguồn lực để trợ giúp về tài chính, vật chất cho nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đóng vai trò cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà người bệnh…