Hội nghị có sự tham dự của trên 250 đại biểu là lãnh đạo, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, phòng điều dưỡng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về công tác đào tạo, quản lý, thực hành chăm sóc người bệnh trong nhiều lĩnh vực, gồm: công tác điều dưỡng trong việc nâng cao chất lượng điều trị; các nghiên cứu và áp dụng cải tiến trong các quy trình kỹ thuật thực hành điều dưỡng của các bệnh viện; giao tiếp của điều dưỡng và sự hài lòng người bệnh;...
Ngày nay, hệ điều dưỡng phát triển nhanh, mạnh kể cả số lượng lẫn chất lượng, điều dưỡng đại học dần thay thế cho điều dưỡng trung học. Nhiều điều dưỡng, kỹ thuật Y sau đại học như: chuyên khoa I, Thạc sĩ, tiến sĩ… không những nâng cao được về kỹ năng, trình độ kiến thức, còn chuyên nghiệp trong công tác chăm sóc, được xã hội tôn vinh, nhân dân tin yêu. Tuy nhiên vai trò, vị trí, chức năng của điều dưỡng nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế như: chưa được đánh giá đúng mức, nhiều người vẫn nhầm lẫn chức năng giữa y tá và điều dưỡng, nhất là tuyến y tế quận/huyện.
Gs, Ts Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân nhầm lẫn do nước ta mới có điều dưỡng đa khoa, chưa có chuyên khoa (thế giới có đến 20 chuyên khoa điều dưỡng); chưa phát huy đúng chức năng của điều dưỡng là thực hiện chủ động điều phối trong chăm sóc người bệnh, có tư duy phản biện và độc lập (chủ yếu vẫn phụ thuộc theo chỉ định của của bác sĩ). Đội ngũ điều dưỡng ít được tham gia vào quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, kể cả kế hoạch chung của đơn vị y tế. . .
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Nếu trên thế giới trung bình cứ một bác sĩ có 3 - 4 điều dưỡng, nhiều nước tỷ lệ cao hơn như Nhật Bản một bác sĩ đến 9 - 10 điều dưỡng, hay ở một số nước Châu Phi một bác sĩ có khoảng 20 điều dưỡng, ở Việt Nam, một bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện công lập tuyến cuối rất áp lực nhưng thu nhập chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Từ đầu tháng năm 2021 cho đến nay, trên 2.870 cán bộ điều dưỡng đã xin nghỉ việc và các bệnh viện công lập rơi vào khủng hoảng trong khâu tuyển dụng nhân sự.
Nhiều đại biểu cho rằng, không phải 100% cán bộ điều dưỡng nghỉ việc vì thu nhập thấp nhưng nó vẫn là nguyên nhân chính. Thực tế, sau dịch COVID-19, nhiều cán bộ điều dưỡng lâu năm đã được mời gọi đến các bệnh viện công lập với mức lương khá cao. Ngoài ra, 100% sinh viên ngành điều dưỡng ra trường đều có việc làm nhưng phần lớn lại chọn làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân vì nguồn thu nhập hấp dẫn, không bị quá nhiều áp lực, vất vả như công tác ở bệnh viện công lập.
Để ngành điều dưỡng phát triển hơn, cán bộ điều dưỡng an tâm công tác, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho rằng: Cần đổi mới công tác đào tạo nghề điều dưỡng, xây dựng chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng theo phương hướng quốc tế, coi đây là một nghề có tính độc lập tương đối với nghề bác sĩ. Nếu các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ rồi mà không cải thiện được môi trường điều dưỡng, không nâng cao vai trò, chức năng của điều dưỡng, chắc chắn là không xây dựng được thương hiệu, không làm tốt lĩnh vực chăm sóc.
Thực tế cho thấy, điều dưỡng đóng vai trò ngày càng to lớn trong quy trình chăm sóc bệnh nhân. Nhiều mô hình chăm sóc người bệnh tiên tiến đang áp dụng tại các bệnh viện phụ sản được chia sẻ tại hội nghị. Nhiều đề tài có sự tham gia của cán bộ điều dưỡng, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong tình hình mới, giảm bớt áp lực thời gian trong công việc.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 43 trường đại học đào tạo trên 5.000 điều dưỡng, 100 trường cao đẳng đào tạo 30.000 điều dưỡng, 50 trường trung cấp đào tạo khoảng 15.000 điều dưỡng. Nhằm đảm bảo cân bằng cung - cầu điều dưỡng cho hệ thống bệnh viện công lập, đầu tháng 5/2023, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động. Cùng với giải pháp tăng thu nhập từ Trung ương và hoạt động hỗ trợ ở mỗi địa phương, hy vọng bài toán cán bộ y tế nghỉ việc hàng loạt sẽ tạm thời được giải quyết để ngành y tế ổn định, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân.