Cần chính sách thu hút nhân lực
Theo Bộ Y tế, hiện nay cả nước có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ từ trung cấp tới đại học, trong đó có 43 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 trường đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp. Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập và kiện toàn ở các cấp của hệ thống y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, gần đây, số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng có xu hướng giảm; trong đó có lý do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc giảm số lượng sinh viên đăng ký theo học ngành điều dưỡng, trong khi nhân lực điều dưỡng tại nhiều bệnh viện vẫn đang thiếu hụt, là vấn đề rất đáng lo ngại. Vì vậy, để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho người bệnh, việc tăng cường cả về số lượng và chất lượng điều dưỡng tại các cơ sở y tế là vô cùng cần thiết.
Hiện trình độ điều dưỡng đang hướng tới phải đảm bảo từ bậc Cao đẳng trở lên. Vì vậy, các điều dưỡng trình độ Trung cấp đang gặp khó khăn khi phải đi học để nâng chuẩn trình độ lên Cao đẳng, Đại học; kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng hiện khá cao với mức học phí tới 35- 40 triệu đồng, trong khi công việc của điều dưỡng lại rất vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi… Trước thực tế này, các chuyên gia cũng đề xuất, trong bối cảnh đang thiếu nhân lực điều dưỡng, thiếu đầu vào đào tạo, nếu chỉ trông chờ vào điều kiện đào tạo điều dưỡng cao đẳng, đại học thì sẽ rất khó đáp ứng; vìvậy, trước mắt vẫn nên duy trì đào tạo điều dưỡng Trung cấp.
Bà Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề. Đồng thời, các bệnh viện phải "đặt hàng" cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế đơn vị.
Đãi ngộ, động viên kịp thời
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Sau dịch, đội ngũ điều dưỡng lại có nhiều biến động, trong đó, có những nguyên nhân đến từ sự đãi ngộ trong nền kinh tế thị trường và tự chủ bệnh viện khiến công sức lao động của người điều dưỡng chưa được tương xứng với nỗ lực của họ. Đặc biệt, vị thế, vai trò của người điều dưỡng tại một số đơn vị y tế chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy hết vai trò của người điều dưỡng.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của đội ngũ điều dưỡng nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong khi đó, các chính sách đãi ngộ với lực lượng này hiện chưa tương xứng với đặc thù nghề y như các vấn đề: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp công vụ, chức vụ, phụ cấp thu hút ở địa phương, phụ cấp cho các đơn vị bảo vệ cán bộ cao cấp…
Theo đó, trước thực trạng cán bộ y tế nghỉ việc, Bộ Y tế đã có những hoạt động động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế. Bộ cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời quan tâm thực hiện các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho nhân viên y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế; tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho nhân viên y tế, đặc biệt là những nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao. Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên y tế; tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, văn hóa công sở để nhân viên y tế thêm tinh thần gắn bó, tự hào về nghề nghiệp…
Vừa qua, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động; đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022-2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện; đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú đạt trên 80%, có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.
Hiện một số địa phương đã có chính sách, đề xuất để nâng cao thu nhập cho đội ngũ nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc Thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND Thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ Trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.
“Việc lãnh đạo, quản lý, đào tạo lực lượng điều dưỡng hiện nay cần có một hệ thống điều dưỡng trưởng có trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành công tác điều dưỡng và thấu hiểu các đặc thù công việc. Đây là một chuyên ngành rất cần có sự quan tâm, định hướng phát triển phù hợp để lực lượng điều dưỡng có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất.