Đây là một thành công trong điều trị tổn thương mạch máu não phức tạp bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến của y học hiện đại.
Bệnh nhân Lê Thị N. (70 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 16/9 trong tình trạng đau đầu, tê nửa mặt phải, thị lực kém, nhìn đôi... Qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI có cản từ), chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho thấy bệnh nhân có túi phình bóc tách động mạch cảnh trong đoạn xoang hang phải kích thước khổng lồ (21x32mm) nguy cơ vỡ.
Ngày 4/10, ê-kíp can thiệp do các bác sĩ Khoa Đột quỵ, Khoa Chẩn đoán hình ảnh… tiến hành đặt 1 stent nhằm chuyển dòng chảy của động mạch máu vào nuôi túi phình. Stent chuyển dòng sẽ hạn chế dòng chảy của máu vào túi phình, giúp túi phình giảm kích thước dần dần và đi đến mất hẳn, giảm tối đa nguy cơ vỡ túi phình.
Sau hơn 80 phút can thiệp, ca phẫu thuật đã thành công, chụp kiểm tra thấy stent bung tốt và ôm sát thành mạch máu tương ứng. Dòng chảy vào túi phình đã giảm đáng kể sau đặt stent chuyển hướng, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ túi phình mạch máu, cứu sống bệnh nhân.
Sáng 12/10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm tê vùng mặt phải, thị lực cải thiện rõ, được các bác sĩ cho xuất viện.
Theo bác sĩ Hà Tấn Đức, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, túi phình mạch máu não là chỗ giãn lớn mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi. Túi phình động mạch não khổng lồ trên 25mm như ở trường hợp bệnh nhân Lê Thị N. là rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,5%. Nếu túi phình vỡ, tỉ lệ tử vong rất cao từ 56 - 86% (trong số này 1/3 bệnh nhân tử vong trước khi vào viện). Nếu may mắn bệnh nhân còn sống, tỷ lệ tàn tật chiếm khoảng 20%.
Đối với các túi phình động mạch não khổng lồ (kích thước trên 25mm), trước đây thường được thực hiện bằng các phương pháp như mổ hở kẹp túi phình, mổ hở nối mạch máu trong - ngoài sọ và cắt bỏ động mạch phình, can thiệp trong lòng mạch máu (can thiệp nội mạch) tắc túi phình. Với các phương pháp này, bệnh nhân có thời gian hồi phục lâu hơn, chịu đau đớn nhiều sau mổ, tỷ lệ biến chứng viêm nhiễm vết mổ cao, nhiều nguy cơ tái phát túi phình…
Can thiệp nội mạch đặt stent chuyển dòng chảy là phương pháp chỉ thực hiện được tại các trung tâm lớn, cần độ chính xác rất cao, các trường hợp di lệch stent chuyển dòng một vài milimet, đặt không đúng vị trí hoặc trôi stent sẽ dẫn đến thất bại của kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. So với các phương pháp truyền thống, khả năng chữa lành túi phình khổng lồ lên đến 90 - 95%.