Trước đó, ngày 24/1, sản phụ N.P.T (32 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng con so, thai 37 tuần, ngôi mông, nước ối vỡ trắng đục. Các bác sỹ khoa Cấp cứu đã tiến hành thăm khám, phát hiện sản phụ sa dây rốn ra ngoài âm đạo, dây rốn còn nhịp đập rất yếu, có lúc không cảm nhận được nhịp.
Ê kíp trực đã kích hoạt quy trình báo động đỏ cấp cứu tối khẩn cấp với sự phối hợp nhịp nhàng giữa khoa Sản, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức và khoa Nhi - Sơ sinh. Chưa đầy 3 phút, ê kíp phẫu thuật đã mổ lấy thai, bắt ra thành công 1 bé gái có cân nặng gần 3 kg. Sau sinh, bé gái không khóc, không phản xạ, dây rốn đoạn gần chân rốn teo nhỏ hoại tử. Ê kíp bác sỹ khoa Nhi - Sơ sinh đã hồi sức tích cực cho bé ngay tại phòng mổ. Sau thời gian hồi sức, bé đã khóc, phản xạ và trương lực cơ khá hơn. Hiện sức khỏe mẹ ổn định và bé đang được chăm sóc tại khoa Nhi - Sơ sinh.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hà Ngọc Uyên, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, sa dây rốn là một trong những tình huống cấp cứu tối khẩn của sản khoa. Sản phụ bị sa dây rốn ra ngoài âm hộ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong cho bé rất cao. Bởi vì, cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông làm việc cung cấp máu của dây rốn cho thai nhi bị đình trệ. Trung bình cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca bị sa dây rốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn như: Ngôi thai bất thường, đa ối; sản phụ sinh đẻ nhiều lần... Vì vậy, để tránh mắc phải tình huống sa dây rốn hiếm gặp, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa. Đặc biệt, đối với những trường hợp vỡ ối, thai phụ nên nhanh chóng vào bệnh viện ngay để các bác sỹ có thể kịp thời xử trí.