Sau thời gian tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật y khoa hiện đại (từ năm 2013 đến nay), Khánh Hòa đã thực hiện được độc lập kỹ thuật can thiệp điều trị tim bẩm sinh cho trẻ em có cân nặng trên 10kg, trên 1 tuổi. Đến năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật điều trị cho trẻ có cân nặng dưới 10kg và trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí có trẻ 1 tháng tuổi. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên triển khai thành công kỹ thuật này.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có thể làm chủ 70 - 80% công nghệ điều trị tim bẩm sinh bằng phương pháp can thiệp qua da từ Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bệnh nhân được áp dụng các kỹ thuật hiện đại, luồn dụng cụ qua mạch máu nhỏ qua da, giúp thực hiện các thao tác khó mà không cần phải mổ hở… Ưu điểm của phương pháp này là không để lại sẹo, rất ít có biến chứng, trẻ có thể xuất viện sau 2 ngày được can thiệp. Đây là phương pháp tiên tiến, chuyên sâu và tối ưu trong điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ.
Trong ngày 29/12, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiến hành điều trị 7 ca trẻ em, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, tim còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi....
Em Trần Thúy Hằng (10 tuổi), bệnh nhi tỉnh Khánh Hòa được chẩn đoán là là tim bẩm sinh thông liên thất, được can thiệp qua da trong đợt này. Bố của Thúy Hằng, ông Trần Thanh Minh cho biết, em bị tim bẩm sinh từ nhỏ, gia đình ông còn khó khăn về kinh tế, khi biết có đoàn bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 ra phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, gia đình ông quyết định đưa cháu vào điều trị với chi phí rẻ hơn so với di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, qua 10 năm triển khai chuyển giao điều trị tim bẩm sinh phương pháp can thiệp qua da, đội ngũ bác sĩ ở Khánh Hòa tiếp nhận nhanh và luôn chịu khó học hỏi để triển khai liên tục các kỹ thuật khó trong điều trị tim bẩm sinh cho trẻ.
Thời gian đầu, cùng với việc ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh để học tập, mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cử ê kíp ra tỉnh Khánh Hòa trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, kết hợp hỗ trợ điều trị những ca khó, nặng. Từ đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có thể làm những ca đơn giản, sau này phức tạp hơn, đến nay có thể làm chủ được khoảng 70 -80% những ca tim bẩm sinh. Một số ca phức tạp cần có sự phối hợp, hỗ trợ thêm từ phía Bệnh viện Nhi đồng 1.
"Trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục chuyển giao, giúp đỡ tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện hơn các kỹ thuật khó. Kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh cần nhanh, nhiều thiết bị, dụng cụ mới. Do đó, không chỉ đội ngũ của Khánh Hòa mà với chúng tôi, việc học kỹ thuật mới cũng phải liên tục để đảm bảo tối đa an toàn, sự phục hồi nhanh chóng cho bệnh nhân”, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín chia sẻ
Bác sĩ Đỗ Thanh Toàn, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, là một trong những bác sĩ nằm trong ê kíp tiếp nhận kỹ thuật cho biết, công tác tầm soát tim bẩm sinh và chẩn đoán các bệnh lý rất quan trọng trong việc hướng đến phác đồ điều trị. Đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa hiện đã làm rất tốt. Hầu hết các ca nặng, sơ sinh, trẻ có cân nặng từ 3,5kg trở lên giờ đây bác sĩ Khánh Hòa đã có khả năng điều trị. 10 năm qua, hai bệnh viện đã phối hợp điều trị tim bẩm sinh cho khoảng 700 ca bệnh tim bẩm sinh.
“Giai đoạn này, chúng tôi phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị những ca rất nặng và phức tạp. Bình quân mỗi năm, hai đơn vị điều trị theo nhiều đợt khác nhau cho từ 50 - 60 trẻ, trong đó có một số trẻ đến từ: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận. Tỷ lệ thành công đạt 100%, chưa có ca biến chứng”, Bác sĩ Toàn thông tin.