Trước đó, ngày 11/8, Đoàn công tác số 1 gồm 30 cán bộ y tế của Bệnh viện đã lên đường chi viện miền Nam và hiện đang điều trị hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16 Thành phố Hồ Chí Minh.
Hậu phương vững chắc cho chặng đường gian nan
Chia sẻ với bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong Lễ xuất quân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện xúc động nói: “Chúng ta đều biết đây là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và có những rủi ro trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tất cả đều sẵn sàng, tự nguyện lên đường, không chỉ đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ được phân công mà còn là sự thúc giục của trái tim, lương tâm của người thầy thuốc”.
Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, để chuẩn bị cho đợt tiếp sức lần 2 này, Bệnh viện đã tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn các quy định về chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong phòng, chống dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống lây mắc COVID-19 cho các cán bộ được cử đi hỗ trợ. Ngoài ra, tất cả cán bộ, y, bác sĩ trong đoàn đều đã hoàn thành tiêm mũi hai vaccine phòng COVID-19 và được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Cảnh đã ân cần dặn dò từng thành viên trong đoàn luôn tuân thủ các quy định, quy trình về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại phía Nam. “Mặc dù đã có những kinh nghiệm từ đoàn số 1 và các thành viên đã được tiêm 2 mũi vaccine nhưng nguy cơ mắc COVID-19 vẫn có thể xảy ra. Do vậy, các thành viên trong đoàn thực hiện nghiêm ngặt các quy trình an toàn trong phòng, chống dịch để giảm thiểu tối đa và tránh nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và cho người khác. Cần có sự giám sát và nhắc nhở lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Giám đốc Bệnh viện đã động viên các thành viên luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tích cực, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong sinh hoạt khi xa nhà. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có những khó khăn, vướng mắc... các đồng chí báo cáo Trưởng đoàn để Trưởng đoàn sẽ báo cáo để Ban Giám đốc có hỗ trợ, tư vấn và cùng giải quyết. Chúng tôi sẽ là hậu phương vững chắc, đồng hành cùng các đồng chí trên chặng đường gian nan phía trước…”.
Không quản ngại gian khó, hiểm nguy
Không giấu được sự xúc động, bác sĩ Nguyễn Thành Quân, Trưởng Đoàn công tác số 2 khẳng định: “Chúng tôi sẽ không quản ngại gian khó, nguy hiểm, đóng góp hết sức mình cùng với lực lượng y tế và nhân dân miền Nam sớm đẩy lùi dịch COVID-19”.
Là một trong những thành viên của Đoàn công tác, bác sĩ Lê Thúy An (Khoa Tạo hình thẩm mỹ) tuy có con nhỏ nhưng vẫn sẵn sàng lên đường vào tâm dịch. Chị chia sẻ: “Mình không ngại khó khăn, vất vả, chỉ lo cho các con ở nhà. Bạn lớn nhà mình lên lớp 3 đã hiểu chuyện, bạn bé nói còn chưa sõi. Nhưng mình cũng hiểu rằng, lúc này, Tổ quốc và nhân dân đang cần mình. Mình vào giúp miền Nam chống dịch là góp phần bảo vệ đất nước và gián tiếp bảo vệ chính gia đình mình. Được sự động viên, ủng hộ của cả gia đình, mình vững tin và yên tâm lên đường. Với sự quyết tâm và chiến lược phù hợp, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, mình sớm được trở về với gia đình và các con”.
Dáng vẻ dịu dàng, nữ điều dưỡng Ngô Thị Như (khoa Khám bệnh) chỉ lặng im và mỉm cười khi được hỏi có tiếc không mái tóc dài đen nhánh mà chị vừa cắt trước khi lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Chị cũng như các đồng đội của mình thấu hiểu sự vất vả sắp tới, sẵn sàng chuẩn bị tâm thế cho trận chiến lớn trước mắt. Mái tóc dài đành gửi lại để dành hết thời gian, cùng đồng nghiệp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân COVID-19 đang từng giờ mong ngóng những "chiến sĩ áo trắng".
Với tinh thần “chia lửa cho tiền tuyến”, những “chiến sĩ áo trắng” đầy nhiệt huyết của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương quyết tâm dốc hết sức mình vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ việc cứu chữa người bệnh, góp một phần nhỏ bé trong cuộc chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống đại dịch COVID-19.