Trước đó, bệnh nhân Trương H. được Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (huyện Phú Lộc) chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 10/4 trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp thấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tiên lượng tử vong cao. Các bác sĩ xác định, để cứu sống bệnh nhân phải dùng kỹ thuật trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể và kỹ thuật lọc máu liên tục tại giường. Tuy nhiên, đây là những kỹ thuật cao, phức tạp, chi phí điều trị cao, trong khi hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân quá khó khăn không có khả năng chi trả. Trước tình huống này, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ đạo giải quyết cấp cứu ngay để cứu sống bệnh nhân.
Sau 18 ngày điều trị tích cực với hỗ trợ của kỹ thuật trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể, lọc máu liên tục tại giường, hỗ trợ thở máy bảo vệ phổi, tăng cường chế độ dinh dưỡng tốt, phục hồi chức năng, bệnh nhân dần tỉnh táo, huyết áp ổn định dần, ngưng được các phương tiện hỗ trợ. Những ngày sau đó, bệnh nhân được rút ống trợ thở thành công, tỉnh táo, giao tiếp tốt, đã tự đi lại, tập thể dục trong phòng. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định, hồi phục tốt, được cho ra viện.
Bệnh nhân Trương H. chia sẻ: Hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, gia đình từng có ý định xin về nhà vì chi phí chữa trị quá lớn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, tận tình điều trị của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe của tôi dần bình phục. Xin gửi lời cảm ơn Bệnh viện và các y bác sỹ đã cứu sống tôi trong cơn nguy kịch.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tất Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Bệnh nhân được cứu sống nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Giám đốc Bệnh viện; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa; năng lực chuyên môn cao của tập thể y, bác sĩ, những kinh nghiệm về điều trị trong những đợt chống dịch COVID-19 và sự hỗ trợ của các kỹ thuật y học tiên tiến tại Bệnh viện. Chi phí điều trị của bệnh nhân H. lên đến hơn 700 triệu đồng, ngoài chi trả của cơ quan Bảo hiểm y tế, Bệnh viện đã trích kinh phí từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn tiến phức tạp, Bệnh viện tập trung mọi nguồn lực vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, với quyết tâm cao nhất để cứu sống bệnh nhân. Đội ngũ cán bộ y tế Khoa Hồi sức tích cực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm trong kiểm soát, vận hành, ứng dụng các kỹ thuật hồi sức cao cấp, phức tạp như trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể, lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã hồi sinh rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch trong đó có các bệnh nhân suy đa tạng, đặc biệt trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua.