Bệnh nhân là V.T.T (50 tuổi, trú tại xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn). Chiều 4/12, trong lúc đang lao động, ông T. vô ý để máy tời vỏ bao xi măng cũ cuốn đứt lìa cánh tay trái. Ngay sau đó, ông được người nhà đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốc mất máu kèm cánh tay trái bị đứt lìa do tai nạn lao động.
Nhận thấy đây là một trường hợp chấn thương rất phức tạp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã huy động ê-kíp bác sỹ thuộc các chuyên khoa: Chấn thương, Phẫu thuật mạch máu, Gây mê hồi sức nhanh chóng tiến hành hội chẩn cấp cứu. Tại phòng mổ, các bác sĩ vừa truyền máu, hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Do vết thương và phần cánh tay đứt rời bị dập nát khá nhiều kèm nhiều dị vật như đất, đá, xi măng… nên các bác sĩ phẫu thuật phải rất tỉ mỉ trong việc cắt lọc và làm sạch vết thương, sau đó tiến hành khâu nối lại phần chi thể đứt rời cho bệnh nhân. Sau 6 giờ phẫu thuật, huyết động bệnh nhân ổn định, các chỉ số sinh tồn khác trong giới hạn bình thường, cánh tay bị đứt lìa được nối thành công.
Để nối cánh tay cho bệnh nhân, ê-kíp các bác sĩ đã phải làm việc liên tục trong 6 giờ, các kỹ thuật khó và phức tạp lần lượt được thực hiện như kết hợp xương bằng nẹp vít để giữ trục chi; vi phẫu nối mạch chi bao gồm 2 động mạch quay, động mạch trụ, tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền; tiến hành vi phẫu khâu nối thần kinh và toàn bộ gân cơ cho bệnh nhân...
Bác sỹ Hoàng Tuấn Long, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: "Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể. Để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt chức năng thì yêu cầu đối với phẫu thuật viên là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: kết hợp xương, khâu nối gân cơ và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh... Tỷ lệ ghép nối thành công các bộ phận này cũng phụ thuộc vào việc bảo quản đúng cách."
Sau 10 ngày phẫu thuật, hiện tại cánh tay nối được tưới máu tốt, hồng hào trở lại, vết nối khô. Tuy nhiên để cánh tay được nối hoàn toàn hồi phục, thời gian tới bệnh nhân cần trải qua một số lần phẫu thuật nữa và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối cánh tay đầu tiên cho bệnh nhân nữ (27 tuổi, quê ở xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) bị tai nạn lao động đứt lìa cánh tay phải.
Được biết, để kịp thời xử trí cấp cứu cho những bệnh nhân có tổn thương chi thể phức tạp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cử kíp bác sĩ được đào tạo bài bản về ghép chi thể của liên chuyên khoa: Ngoại Chấn thương, Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, Gây mê hồi sức tham gia trực cấp cứu, trực ngoại viện. Bất kể khi nào có ca bệnh, ê-kíp bác sỹ đều sẵn sàng có mặt tại Bệnh viện 24/24 giờ để phẫu thuật, đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị và hồi phục cho bệnh nhân.