Cụ thể, bệnh nhân D.T.A. (25 tuổi, trú tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngày 25/7 trong tình trạng không có hậu môn, đại tiện qua niệu đạo (tức đại tiện và tiểu tiện cùng qua niệu đạo) vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu.
Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân không có hậu môn bẩm sinh, dị dạng hậu môn - trực tràng thể cao, không có ống hậu môn và bóng trực tràng, kèm theo tình trạng rò trực tràng, niệu đạo tiền liệt tuyến.
Ngày 29/7, ê kíp các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cùng với các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) phẫu thuật nội soi di động đại tràng Sigma, đóng đường rò trực tràng - niệu đạo cho bệnh nhân bằng dụng cụ cắt nối tự động. Kíp mổ đưa mõm trực tràng xuống tạo hình hậu môn cho bệnh nhân, làm hậu môn nhân tạo.
Trong 2 tháng tiếp đó, cứ 3 ngày một lần, bệnh nhân phải nong hậu môn, tập cho cơ vòng hậu môn thật hoạt động lại. Ngày 6/10, khi hậu môn thật đã lành và cơ vòng hậu môn co bóp tốt, bệnh nhân được phẫu thuật lần 2. Ngày 15/10, bệnh nhân đã ăn uống được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt, đi vệ sinh được qua đường hậu môn mới tạo hình.
Theo bác sĩ chuyên khoa II La Văn Phú, Trưởng khoa Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, dị dạng hậu môn, trực tràng là bệnh ít gặp, khoảng 4.000 đến 5.000 trẻ sinh ra sống thì có một trường hợp bị dị tật này. Bệnh nhân bị dị dạng hậu môn - trực tràng thường được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa nhi. Trường hợp người lớn mắc bệnh thường hiếm gặp.
Dị dạng hậu môn - trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn - trực tràng là thể khó điều trị. Bệnh nhân A. đã mắc bệnh 25 năm, cơ vòng hậu môn không hoạt động nên có phần bị teo và co thắt hơi yếu. Bên cạnh đó, việc chăm sóc cho hậu môn sau tạo hình và tập cho cơ vòng co bóp trở lại là rất quan trọng vì nếu cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân đại tiện không tự chủ, lúc đó xem như cuộc phẫu thuật không thành công.
Bệnh nhân Lê Ngọc K. (43 tuổi, trú tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bị rỉ nước tiểu liên tục từ nhỏ và đi chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả, tình trạng bệnh ngày càng nặng. Ngày 21/9, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để khám và điều trị tình trạng trên.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân có thận đôi hai bên, niệu quản trái phía trên giãn đến bàng quang nhưng không rõ vị trí cắm vào đâu, thận trái ứ nước, niệu quản giãn đường kính 13mm (trong khi ở người bình thường khoảng 5mm). Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị thận ứ nước và tiểu không kiểm soát do niệu quản đôi lạc chỗ.
Ê kíp đã phẫu thuật thực hiện cắt nối niệu quản, cắm lại niệu quản lạc chỗ vào đúng vị trí bàng quang để giải quyết vấn đề tắc nghẽn cũng như rỉ nước tiểu liên tục của bệnh nhân, thời gian phẫu thuật kéo dài 90 phút.
Ngày 15/10, bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ khô, hết rỉ nước tiểu, các bác sĩ siêu âm kiểm tra thấy thận hết ứ nước. Bệnh nhân được cho xuất viện trong ngày.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp, trung bình cứ 2.000 trẻ sẽ có một trẻ mắc phải bệnh này. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam, chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi có hai niệu quản và một niệu quản cắm vị trí bất thường.
Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc khuyến cáo, niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới chức năng thận nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần được phẫu thuật từ khi mới sinh hoặc khi còn nhỏ tuổi để tránh biến chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.