Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong khám chữa bệnh

Với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, do Bộ Y tế ban hành ngày 22/6/2020 kỳ vọng giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Nhờ tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa, tay nghề của các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được nâng lên rõ rệt. Ảnh tư liệu: Hoàng Ngà/TTXVN

Đánh giá về việc áp dụng công nghệ 4.0 với mục tiêu phát triển ngành Y tế theo hướng hiện đại, tiệm cận với trình độ quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Đây thực sự là “cuộc thay máu” lớn trong ngành. Công nghệ 4.0 giúp việc liên lạc giữa các cơ sở y tế dễ dàng hơn, khối lượng thông tin khổng lồ được trao đổi trực tiếp ở bất cứ thời điểm nào. Các tiến bộ của công nghệ giúp các bác sĩ có thêm thời gian trong cuộc chạy đua với tử thần, cứu sống bệnh nhân. 

Lấy ví dụ trong kỹ thuật siêu âm tim là một kỹ thuật khó trong y khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lượng Ngọc Khuê cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, triển khai khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ tại Hà Nội có thể theo dõi việc siêu âm tim cho cả những người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến Trung ương có thể phối hợp với các bác sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố khác để hội chẩn, điều trị các ca bệnh nặng ở tuyến dưới mà người bệnh không cần chuyển tuyến.

Cùng với đó, hiện tại ở nhiều bệnh viện, người dân có thể đặt lịch khám, chữa bệnh qua điện thoại, qua các ứng dụng mạng internet mà không cần phải đến tận nơi xếp hàng, đăng ký.  

Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 trong khám chữa bệnh, người bệnh không chỉ được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro khi điều trị; khắc phục được khoảng cách về chất lượng nhân viên y tế giữa các vùng, miền.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, trong hai năm đại dịch, hệ thống khám chữa bệnh đã không ngừng tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam.

"Trong thời gian qua, trên 3.000 ca bệnh đã được tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Trên 1.100 buổi hội chẩn được thực hiện với 32.000 điểm cầu được kết nối, 155 ca bệnh nguy kịch được cứu sống. Tuy nhiên, vẫn còn gần % cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai lấy số xếp hàng tự động đảm bảo công bằng khi đi khám bệnh. Thanh toán viện phí tiền mặt vẫn còn chiếm gần 30%", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
 
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện Thông tư kê đơn thuốc điện tử; khám chữa bệnh từ xa, giá khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn… Vì thế, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; quan tâm hàng đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống nâng cao năng lực cho đội ngũ công nghệ thông tin bệnh viện.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam cho biết, chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Quyết định chỉ rõ, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công phải hình thành bộ phận khám chữa bệnh từ xa; Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Các cơ sở y tế thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí, thời gian vận chuyển bệnh nhân.

TTXVN/Báo Tin tức
Khám chữa bệnh từ xa góp phần tìm giải pháp tối ưu cho người bệnh
Khám chữa bệnh từ xa góp phần tìm giải pháp tối ưu cho người bệnh

Với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN