TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp bệnh viện tự chủ bền vững

Sau 20 năm chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, không ít bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là giai đoạn sau dịch COVID-19.

Hệ lụy từ tự chủ không bền vững

Cho đến thời điểm hiện nay, 45/50 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chuyển đổi từ cơ chế hoạt động ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, việc thực hiện tự chủ thời gian qua tại các bệnh viện đã tồn tại một số khó khăn, vướng mắc và bộc lộ rõ hơn khi nguồn thu các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Sau dịch COVID-19, nhiều bệnh viện tự chủ tài chính gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Tại Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, sau 9 năm tự chủ đã thâm hụt hàng chục tỉ đồng. Ông Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, đến năm 2021 bệnh viện âm 91 tỉ đồng, ngoài ra BHYT "treo" thêm tỉ đồng. Nguồn thu giảm sâu trong giai đoạn dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, bệnh viện không đủ tiền trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên cũng như sửa chữa, bảo trì máy móc, tái đầu tư thiết bị y tế.

"Năm 2021, bệnh viện không có nguồn để thưởng Tết, phải cân đối tất cả các nguồn khác để thưởng đều mỗi người 7,5 triệu đồng, từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng... Thu nhập bình quân nhân viên y tế bệnh viện 8,8 triệu đồng/tháng là dùng tiền tích lũy trước đây để chi", ông Phạm Xuân Dũng chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, tự chủ tài chính khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh phí đầu tư. Bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và không thu hút được nguồn lực có chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ.

Còn bệnh viện Quận 11, khi tự chủ tài chính, một trong những khó khăn bệnh viện gặp phải là nguồn thu bảo hiểm y tế chiếm tỷ trọng khá cao (khoảng 60%). Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu nhưng giá thu BHYT và viện phí đến nay chưa kết cấu đủ chi phí, điều này gây khó khăn rất lớn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn thu để đảm bảo hoạt động thường xuyên và tái đầu tư.

Qua đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên của các bệnh viện công lập, ngành y tế Thành phố khẳng định, cơ chế tự chủ trong thời gian qua đã giúp một số bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố phát triển khá toàn diện về mọi mặt, cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Thế nhưng, ngược lại không ít bệnh viện gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh viện, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch COVID-19.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ chế tự chủ đang vận hành trong thời gian qua đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng rõ nét giữa các bệnh viện công lập với nhau. Nổi bật nhất là khoảng cách về thu nhập chính đáng của nhân viên y tế công lập, có thể dẫn đến tình trạng mất công bằng về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập với nhau cho dù nhiệt huyết và sức lao động là như nhau. Thêm nữa, khoảng cách ngày càng lớn về quỹ phát triển sự nghiệp giữa các bệnh viện công lập, đây là quỹ cần thiết cho sự phát triển của bệnh viện. Trong đó, các bệnh viện chuyên khoa dường như thuận lợi hơn nhiều so với các bệnh viện đa khoa về việc trích lập quỹ quan trọng này.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo ông Tăng Chí Thượng, bài học kinh nghiệm của các nước về đổi mới quản trị bệnh viện công lập theo hướng tự chủ, đó là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính gắn liền với đổi mới cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện, như mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp.

“Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp các nhà quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư…”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh viện thực hiện, ngành y tế Thành phố đã có kiến nghị một số nội dung nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và một số giải pháp quan trọng, giúp các bệnh viện phát triển bền vững.

Trong tình hình hiện nay, ngành y tế rất cần các giải pháp về cơ chế chính sách để rút ngắn các khoảng cách trên, tạo sự công bằng về sự phát triển và thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế công lập, giúp họ an tâm công tác và tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc, đó là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi, giúp cho nhân viên y tế an tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện như bãi giữ xe, căng tin… bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này (bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện).

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị cũng kiến nghị Thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp, không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.

Bên cạnh đó, kiến nghị Thành phố thành lập hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện. Đồng thời, kiến nghị Thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện.

Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng chỉ mới kết cấu 2 trong 4 yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải), còn các chi phí khác vẫn chưa được kết cấu vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin; chi phí quản lý, chi phí đào tạo…). Theo đó, để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có 78 đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả đều được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, trong đó có 50 bệnh viện công lập với mức độ tự chủ tài chính như sau: 45 bệnh viện tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên (trong đó, có 26 bệnh viện tuyến Thành phố, 19 bệnh viện tuyến quận, huyện); 3 bệnh viện tuyến Thành phố tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn); 2 bệnh viện tuyến thành phố do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ: Bệnh viện Nhân Ái, Khu điều trị phong.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp gỡ vướng các dự án nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp gỡ vướng các dự án nhà ở xã hội

Những vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, thủ tục đầu tư phức tạp… khiến việc phát triển nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN