Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết: Viện đã thực hiện Dự án "Nghiên cứu, xây dựng quy trình sử dụng chất phân tán (Dispersant) trên biển Việt Nam" và đưa ra danh mục 7 chất phân tán, quy trình sử dụng chất phân tán trên biển Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo hướng dẫn sử dụng chất phân tán trên thế giới và đề xuất quy trình sử dụng chất phân tán phù hợp với điều kiện vùng biển Việt Nam.
Quy trình gồm 6 bước: Xác định điều kiện sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu tại vùng biển Việt Nam; xác định lượng chất phân tán cần sử dụng; phun chất phân tán để ứng phó sự cố tràn dầu (từ tàu và từ máy bay); giám sát hiệu quả sử dụng chất phân tán trong quá trình phun chất phân tán; giám sát chất lượng môi trường sau khi sử dụng chất phân tán; báo cáo sau khi sử dụng chất phân tán.
Hiện nay, Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam, việc ban hành danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam là cần thiết.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đối chiếu kết quả thử nghiệm của từng chất phân tán với các yêu cầu kỹ thuật mà Dự thảo Thông tư đang đưa ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất danh mục chất phân tán sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam gồm 7 chất đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thử nghiệm; trong đó có 4 chất phân tán đã được cho phép sử dụng tại Việt Nam.