Ngành Hậu cần Cảnh sát biển đã phát huy tinh thần “chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường”, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, xác định rõ tính chất, nhiệm vụ, ngành Hậu cần Cảnh sát biển (CSB) đã nỗ lực tập trung chỉ đạo chặt chẽ sát sao, bám sát từng nhiệm vụ, chủ động tổ chức bảo đảm kịp thời toàn diện các mặt công tác hậu cần. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và thường xuyên, nhất là nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ hoạt động kinh tế biển; tuần tra, kiểm soát duy trì thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn... Chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện hoàn thành tiến độ các dự án về đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa doanh trại cơ sở hạ tầng; xây dựng và mở rộng doanh trại; tích cực chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho việc khởi công xây dựng trụ sở mới của Bộ Tư lệnh CSB; làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội thi “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” và “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” của Bộ Tư lệnh (BTL) CSB năm 2015...
Vườn rau xanh của cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vùng 1. |
Hiện nay, nhiệm vụ của CSB trong tình hình mới đang đặt ra cho ngành Hậu cần CSB nói chung và công tác bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển nói riêng những nội dung, yêu cầu rất cao. Công tác bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bảo đảm cho nhiều lực lượng, thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; tìm kiếm, cứu nạn; bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ khác. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra với tính biến động cao, diễn ra trên vùng biển rộng, xa bờ, thời tiết, thủy văn diễn biến thất thường… Trong khi đó, khả năng bảo đảm hậu cần còn hạn chế; tổ chức biên chế chưa đủ, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện hậu cần vừa thiếu, vừa không đồng bộ; một số trang bị đặc chủng chưa được trang bị; khối lượng bảo đảm tăng cao, yêu cầu bảo đảm luôn phải khẩn trương (sau hơn 1 giờ từ khi có lệnh phải hoàn thành mọi mặt về công tác hậu cần cho tàu xuất phát làm nhiệm vụ); tính chất bảo đảm phức tạp, trên diện rộng, thời gian ngắn. Ngoài bảo đảm với khả năng sức chứa của tàu, còn phải chuẩn bị phương án bổ sung vật chất hậu cần tiêu hao, tiêu thụ và tổn thất trên biển. Công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều hành phối hợp hoạt động giữa hậu cần các cấp trong lực lượng cũng chưa thật chặt chẽ, thống nhất...
Rau xanh là thực phẩm thiết yếu cho cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam mỗi khi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển. |
Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển, nhiệm vụ của Quân đội, CSB; nắm vững phương hướng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực làm tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng BTL CSB về công tác hậu cần trên biển, đảo. Tạo nguồn bảo đảm hậu cần ổn định, vững chắc; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống và các nhiệm vụ khác. Thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức hậu cần từ cơ quan BTL CSB đến hậu cần đơn vị, kết hợp với hậu cần các đơn vị bạn, các tỉnh (thành phố) ven biển, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Trong xây dựng lực lượng hậu cần phải chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, BTL CSB về xây dựng tổ chức, biên chế ngành Hậu cần bảo đảm tính cân đối, đồng bộ.
Tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng hậu cần thường trực, dự bị, gửi cán bộ, nhân viên đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội để nâng cao trình độ về mọi mặt. Tích cực chuẩn bị mọi mặt, xây dựng tiềm lực hậu cần vững mạnh, thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, cơ động đến từng đơn vị và trên toàn vùng biển, phù hợp với nhiệm vụ của CSB và phương án tác chiến. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức, biện pháp bảo đảm hậu cần phù hợp với điều kiện địa bàn đơn vị đóng quân và cầu cảng; lấy bảo đảm hậu cần tại chỗ, theo khu vực là chủ yếu, kết hợp với tăng cường khả năng cơ động, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các lực lượng. Từng bước đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện bảo đảm hậu cần trên biển. Mở rộng sức chứa của hệ thống kho xăng, dầu trên bờ. Xây dựng hệ thống đường ống đến các cầu cảng, khu neo đậu, khu vực tập kết tàu, thuyền trên biển. Nghiên cứu, cải tiến các tàu thuyền hiện có để nâng cao năng lực vận tải, trước hết là các tàu chở nhiên liệu, nước ngọt; nâng cấp phương tiện, trang bị bảo đảm ăn uống, sinh hoạt phù hợp với các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển, đảo xa.
Chú trọng tạo nguồn, dự trữ vật chất, trang bị hậu cần đủ số lượng, đồng bộ, bảo đảm chất lượng theo quy định, phân cấp dự trữ phù hợp với từng nhiệm vụ; tổ chức dự trữ bảo đảm cho các lực lượng hoạt động dài ngày trên biển, đảo; dự trữ phù hợp với khả năng cơ động và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong từng tình huống. Trước mắt, tập trung các nguồn lực bảo đảm nhu cầu hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuần tra, kiểm soát thực thi pháp luật; tìm kiếm, cứu nạn; phấn đấu bảo đảm thời gian xuất phát nhanh nhất và kéo dài thời gian hoạt động của cả người và phương tiện trên biển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ...