Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo "Toàn cảnh Frankfurt“ (FAZ) ngày 24/2 cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Tờ báo chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Theo tờ báo, đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc có thể đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa một trạm radar tần số cao.
Cùng ngày, tờ "Thời đại“ (die Zeit) dẫn các nguồn tin Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa máy bay tiêm kích tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Thông tin này đã được Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, đồng thời cho biết máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã được đưa tới đảo trên từ trước đó.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP |
Cũng theo nguồn tin Mỹ, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tại đảo này. Báo trên cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt ở đây một trạm radar tần số cao.
Trước đó, tờ "Thế giới“ (Welt)" của Đức ngày 23/2 đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng trái phép một trạm radar ở quần đảo Trường Sa, coi đây là cấp độ mới trong cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo này.
Ngày 19/2 vừa qua, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc.
* Trong một diễn biến liên quan, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 24/2 cho biết nước này đang tiến hành thu thập và phân tích thông tin về những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông với mối quan tâm nghiêm túc.
Ông Suga đồng thời nhắc lại những quan ngại của Chính phủ Nhật Bản trước các hành động của Trung Quốc, khẳng định Tokyo sẽ phối hợp với các nước liên quan trong vấn đề này.
Hôm 23/2, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nhận định Trung Quốc “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” ở Biển Đông bằng việc triển khai các tên lửa phòng không và hệ thống rađa tại đây, như một phần của nỗ lực nhằm giành ưu thế quân sự ở khu vực Đông Á.