Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam:

Bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển

Vùng biển Ninh Thuận có sự đa dạng sinh học cao với hàng trăm loài sinh vật biển có giá trị kinh tế và bảo tồn. 

Để phát triển bền vững, việc gìn giữ đa dạng sinh học và khai thác hợp lý tài nguyên từ biển được tỉnh Ninh Thuận xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Rạn san hô ở khu vực biển thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/ TTXVN

Giàu tiềm năng đa dạng sinh học

Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105 km, vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2. Theo các nghiên cứu mới nhất về sự đa dạng sinh học của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tại vùng biển Ninh Thuận, rạn san hô và tính đa dạng của hệ sinh vật rạn san hô là một trong những thành phần đa dạng sinh học nổi bật nhất.

Các nhà khoa học đã ghi nhận được 6 điểm rạn san hô với độ che phủ trung bình khoảng 42,6%. Rạn san hô được xác định có trên 334 loài thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn, trong đó có 46 loài mới được ghi nhận và bổ sung vào danh mục các loài san hô Việt Nam. Rạn san hô là nơi trú ẩn của nhiều loài sinh vật, trong đó có cá rạn san hô với 147 loài thuộc 81 chi, 32 họ. Thảm cỏ biển cũng được xác định có 5 loài phân bố trên nền đáy ven bờ với diện tích khoảng 341 ha.

Sự đa dạng sinh học của vùng biển Ninh Thuận còn được thể hiện ở việc ghi nhận 5 loài cá gồm 146 loài cá nổi, 392 loài cá đáy, trong đó có loài cá có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các loài sinh vật biển còn có 45 loài động vật thân mềm, 24 loài giáp xác, 13 loài da gai, 22 loài giun nhiều tơ. Đáng chú ý, vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa - Ninh Thuận hiện là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có quần thể rùa biển lên đẻ trứng hàng năm gồm: Rùa xanh, đú, đồi mồi.

Chú thích ảnh
Rong biển phủ trên trên bãi rạn san hô rộng lớn tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Với tiềm năng về hệ sinh thái, đa dạng sinh học quý giá, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển luôn được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu về đa dạng sinh học biển như: Nâng cấp cơ sở dữ liệu - GIS về rạn san hô và các hệ sinh thái ven bờ; xây dựng chương trình giám sát định kỳ rạn san hô Ninh Thuận; điều tra hệ sinh thái biển điển hình tại khu vực huyện Ninh Hải, Thuận Nam; phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực biển Núi Chúa, Đầm Nại để bảo vệ và tạo môi trường phát triển cho các loài sinh vật biển.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận thiết lập khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích 7.352 ha. Khu vực bảo tồn biển Núi Chúa bao gồm các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển với chức năng bảo vệ các loài sinh vật biển đặc hữu, quý hiếm nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và tăng cường tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn biển của địa phương.

Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, trong những năm qua, Vườn phối hợp với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước điều tra, đánh giá tiềm năng, xây dựng dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển trong phạm vi khu bảo tồn để làm cơ sở triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái biển.

Hiện tại, Vườn đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác. Cụ thể, Vườn xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ rùa biển; đồng thời xây dựng khu vực cứu hộ sinh vật biển để tiếp nhận, cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ các điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên.

Song song với đó, Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên sinh vật biển. Từ đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân địa phương trong việc bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển, ông Trần Văn Tiếp cho biết thêm.

Để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh Ninh Thuận đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quản lý, tuyên truyền, tổ chức khai thác hải sản đúng mùa vụ, sử dụng kích thước lưới đúng quy định, khai thác đúng tuyến, không dùng hóa chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác. Đồng thời, tỉnh trích một phần ngân sách của địa phương và huy động các doanh nghiệp thả hàng triệu con tôm sú, cá giống ra biển để tái tạo, bổ sung nguồn lợi hải sản. Riêng trong năm 2021, Ninh Thuận đã tổ chức thả 70 vạn con tôm sú giống ra biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản cho vùng biển của địa phương.

Chú thích ảnh
Trồng rừng ngập mặn phục hồi hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn

Qua đánh giá, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển tuy đã được các cấp, ngành quan tâm bảo vệ tốt hơn, nhưng cũng như các địa phương ven biển trong cả nước, đa dạng sinh học biển của Ninh Thuận hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, rác thải khiến một số khu vực biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra những áp lực không nhỏ tới công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển của địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, xác định tài nguyên đa dạng sinh học nói chung, đặc biệt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, Ninh Thuận đều lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, đơn vị thực hiện quan trắc, phân tích đánh giá hiện trạng môi trường định kỳ hằng năm và theo chu kỳ 5 năm một lần để tạo sự chủ động cho công tác xây dựng các định hướng về chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực từ Trung ương và địa phương triển khai các chương trình, dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khu bảo tồn biển. Tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Đồng thời, Ninh Thuận nâng cao năng lực ứng phó các sự cố môi trường biển, tích cực tuyên truyền người dân sinh sống ở các khu vực ven biển không xả rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ra biển, tích cực thu gom làm sạch môi trường biển để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển.

Nguyễn Thành (TTXVN)
Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học
Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học

Ninh Thuận là một trong những địa phương có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, do những tác động đa chiều đang khiến nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN